Tại hội thảo công bố đề án "Xây dựng thành phố thông minh" ngày 10/4 vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, tổng chi phí thực hiện đề án này vào khoảng 2.000 tỷ đồng.
Mục đích của đề án là xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh bằng việc ứng dụng những thành tự công nghệ thông tin - truyền thông của cuộc Cách mạng 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, tạo ra phương tiện, công cụ, động lực mới phục vụ năng lực quản lý Nhà nước, khai thác tối đa tài nguyên, sử dụng nguồn lực hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
|
TP. Đà Nẵng vừa tổ chức công bố đề án xây dựng thành phố thông minh
với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. |
Ngoài ra, đề án xây dựng TP. Đà Nẵng thành thành phố thông minh nhằm cung cấp tiện ích, dịch vụ, môi trường sống tốt cho người dân; tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình xây dựng thành phố thông minh, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra là "xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại, năng động, sáng tạo, thông minh, phát triển theo hướng kinh tế trí thức; là trung tâm khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng, là trung tâm kinh tế đóng vai trò động lực tăng trưởng và phát triển của vùng duyên hải miền Trung - Tây nguyên". Điều này được nêu rõ trong Nghị quyết 43/NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/1/2019 về xây dựng, phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.
TP. Đà Nẵng tập trung vào 16 lĩnh vực ưu tiên và 6 trụ cột để thực hiện đề án trên. Tổng vốn đầu tư thực hiện đề án khoảng 2.000 tỷ đồng, chủ yếu lấy từ nguồn hợp tác đầu tư công và xã hội hóa.
Chính quyền TP sẽ kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có cơ chế liên quan tới hình thức đầu tư như hợp tác công tư và cơ chế kết hợp nhà đầu tư, nhà giải pháp, Nhà nước (3 nhà); mức thuế dịch vụ công nghệ thông tin - truyền thông phù hợp...
Được biết, việc xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng dựa vào sự hợp tác phát triển, "đi tắt đón đầu" tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin của Mạng lưới thành phố thông minh tại ASEAN thông qua các quỹ đầu tư quốc tế, khu vực.
Cùng với đó, TP. Đà Nẵng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp lẫn khai thác, cung cấp những dịch vụ về thành phố thông minh.
Đối với những vướng mắc, khó khăn về chính sách xã hội hóa trong hợp tác đầu tư công tư (PPP), quy chuẩn thông tin, quy chế quản lý sử dụng tài nguyên công nghệ thông tin, TP. Đà Nẵng cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương giải quyết.