UBND TP. Hà Nội cho biết, tên của dự án là nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn cấp phép cho chủ đầu tư làm nhà liền kề, biệt thự.
Sau phản ánh của người dân cũng như truyền thông về việc chủ đầu tư Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (tên thương mại là The Diamond Park) trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) thực hiện chia lô, bán dưới dạng liền kề, biệt thự, Thủ tướng đã yêu cầu thanh tra toàn bộ dự án. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam, đã được đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Videc.
UBND TP. Hà Nội tại báo cáo kết quả thanh tra toàn diện vừa gửi Thủ tướng cho hay, tên của dự án là nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp nhưng UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đồng ý cho chủ đầu tư xây dựng nhà liền kề, biệt thự.
TP. Hà Nội cho biết thêm, toàn bộ quá trình chuẩn bị, thực hiện đầu tư dự án được diễn ra chủ yếu vào thời điểm huyện Mê Linh vẫn thuộc địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc. Hồ sơ dự án tại thời điểm thanh tra đã được tỉnh Vĩnh Phúc bàn giao lại cho UBND TP. Hà Nội nhưng không đầy đủ.
|
Dự án Diamond Park hiện vẫn chưa có người dọn về ở dù đã được triển khai từ hơn 10 năm trước. Ảnh: Nguyễn Hà |
Chưa hết, qua quá trình xem xét hồ sơ, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện quá trình triển khai dự án sau khi huyện Mê Linh hợp nhất về Hà Nội cũng có hạn chế.
Đơn cử như việc Videc đã ký 74 hợp đồng huy động vốn chưa đúng quy định vào năm 2010. Công ty tiếp tục hợp tác bán cho 2 nhà đầu tư cá nhân vào năm 2013 và thu về khoản tiền hơn 500 triệu đồng. Trong hai năm 2017, 2018, chủ đầu tư cũng thực hiện ký 87 hợp đồng mua bán với các hộ khi chủ trương đầu tư chưa có quyết định điều chỉnh là không đúng theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.
Thêm vào đó, UBND TP. Hà Nội cho rằng, đơn vị đầu tư không niêm yết công khai quá trình giải phóng mặt bằng, không lấy ý kiến từ phía nhân dân là chưa đúng với quy định của pháp luật hiện hành.
Trước khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 được TP. Hà Nội phê duyệt và chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp đã tự ý thi công một số hạng mục, công trình hạ tầng mà không có sự giám sát của UBND huyện Mê Linh. Theo quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt, một phần của dự án được triển khai biệt thự, nhà liền kề, chiếm 70,92% tổng diện tích đất ở, còn chung cư thu nhập thấp chiếm 29,08%.
Cũng theo kết quả thanh tra của UBND TP. Hà Nội, tiền sử dụng đất của dự án do tỉnh Vĩnh Phúc xác định trước đây không chính xác. Nhưng sau khi hợp nhất, do đã có những thay đổi về quy hoạch sử dụng đất cũng như chi phí giải phóng mặt bằng nên đoàn liên ngành không tính lại tiền sử dụng đất.
Nguyên nhân dẫn đến dự án bị chậm tiến độ, theo UBND TP. Hà Nội ngoài các yếu tố khách quan còn do chủ đầu tư lập nhiệm vụ, đồ án chưa đảm bảo chất lượng, phải chỉnh sửa bổ sung tới 2 lần. Đồng thời, năng lực của chủ đầu tư cũng chưa đáp ứng được điều kiện quy định khi vốn chủ sở hữu chỉ có 20 tỷ đồng vào năm 2007, trong khi tổng mức đầu tư dự án là 134 tỷ, không đạt được 20%.
Ngoài việc yêu cầu Videc khắc phục các sai phạm, chấp hành xử lý hành chính... TP. Hà Nội còn đề xuất Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện rà soát lại thủ tục đầu tư xây dựng dự án trước ngày 1/8/2008 - thời điểm Mê Linh sáp nhập về Hà Nội.
Diện tích ban đầu của dự án Diamond Park là 14,5ha, sau được điều chỉnh tăng thành 16,8ha. Theo dự kiến, dự án sẽ cung cấp hàng nghìn căn hộ nhà ở xã hội phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội. Nhưng chủ đầu tư sau khi được hưởng các ưu đãi đã không khởi công xây dựng phần nhà ở xã hội, mà đã tiến hành phân lô, bán nền biệt thự, nhà liền kề để bán. Không chỉ vậy, phần diện tích của nhà ở xã hội trong bản phê duyệt quy hoạch đồ án còn bị ăn bớt, từ 20% diện tích dự án theo quy định xuống chỉ còn khoảng 10%.