Hội nghị này nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế, hỗ trợ các nhà đầu tư hiện hữu, thu hút nhà đầu tư mới; giới thiệu và quảng bá chính sách, dự án, những lợi thế về nhân lực, chính trị, địa lý... của TP.HCM.
Bên cạnh đó, hội nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khi tham gia các dự án. Thông qua hội nghị này, quy trình nội bộ về thu hút đầu tư cũng sẽ được chấn chỉnh; đồng thời nâng cao hoạt động cũng như vai trò của Tổ công tác đầu tư của TP.
Theo tin từ lãnh đạo UBND TP, tại hội nghị lần này, TP sẽ chủ động kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia phát triển các dự án chỉnh trang đô thị, hạ tầng giao thông, đô thị thông minh.
Chính quyền TP.HCM cũng sẽ mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đặt nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp công nghệ cao, khu chế xuất, công nghiệp trên địa bàn TP. Đặc biệt, tham gia hội nghị, danh sách những dự án được TP.HCM kêu gọi đầu tư trong năm 2019 sẽ được Sở KH&ĐT công bố công khai.
|
Trong năm 2019, TP.HCM sẽ tổ chức mời gọi đầu tư hàng loạt dự án
có sử dụng đất. |
Sau đây là những công trình, dự án tại TP.HCM được mời gọi đầu tư trong năm 2019:
1. Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại - dịch vụ tại Khu 701/2 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6. Quy mô diện tích dự án là 6.175m2, được đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
2. Dự án Khu phức hợp 621 Phạm Văn Chí (phường 7, quận 6) quy mô 22,87 ha; hình thức đầu tư là đấu giá quyền sử dụng đất. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 16.382 tỷ đồng (745 triệu USD).
3. Dự án khu thương mại đa chức năng, dân cư hỗn hợp tọa lạc tại những lô đất có ký hiệu 1-1; 1-2; 1-3; 1-4; 1-5; 1-6; 1-8; 1-9;1-10, Khu chức năng số 1, KĐTM Thủ Thiêm. Công trình có quy mô diện tích đất 77.606,4m2; tổng diện tích sàn xây dựng đạt 632.500m2.
4. Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại - dịch vụ tại Khu 10/2 đường An Dương Vương, phường 10, quận 6. Quy mô diện tích dự án là 2,79 ha; hình thức đầu tư đấu giá quyền sử dụng đất.
5. Quỹ nhà gồm 1.570 căn hộ tại các lô đất R4 và R5 (Bình Khánh, Thủ Thiêm) quy mô 31.852m2; sàn xây dựng có diện tích 159.112m2.
6. Quỹ nhà 2.220 căn hộ tại các lô đất R1, R2, R3 (Bình Khánh, Thủ Thiêm), quy mô diện tích đất 46.971m2; sàn xây dựng 315.346m2.
7. Trung tâm tài chính ngân hàng, dịch vụ, thương mại tại lô đất số 1-7; 1-11 của Khu chức năng số 1, Thủ Thiêm, quy mô diện tích 14.461m2, sàn xây dựng 220.000m2.
8. Trung tâm trưng bày, giao dịch, mua bán, hội chợ sinh vật cảnh tại Công viên Làng hoa Gò Vấp (giai đoạn 2), quy mô 6.864,4m2.
9. Trung tâm thương mại dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật trong Khu Công nghệ cao TP.HCM, quy mô diện tích 9,83 ha.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, thời gian tới sẽ mời gọi đầu tư 425 dự án và được thực hiện minh bạch, công khai. Để có được trên 3.000 dự án, TP sẽ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất khác; thực hiện đấu thầu công khai tới tất cả các nhà đầu tư.
Lãnh đạo TP cam kết xây dựng môi trường đầu tư chuẩn mực quốc tế. Ông Phong khẳng định: "Vì sự thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của chúng tôi".
Năm 2019 là năm bản lề, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm chính sách, cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Đồng thời, 2019 cũng là năm đầu tiên triển khai quy hoạch đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, rõ ràng về danh mục những ngành công nghiệp chủ lực.
Theo đó, TP.HCM sẽ tập trung giải quyết những vấn đề sau nhằm hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong những năm 2016-2020:
- Xây dựng khu công nghiệp mới quy mô 300 ha cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư đổi mới sáng tạo;
- Hoàn thành đề án TP.HCM là trung tâm tài chính khu vực;
- Hoàn thành hệ thống logistics đồng bộ;
- Đẩy mạnh thực hiện đề án TP.HCM trở thành khu đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, tập trung cải cách hành chính với tỷ lệ hài lòng đạt 80% trở lên.
- Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
- Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án, hoàn thành tuyến metro số 1, metro số 2 vào cuối năm 2020.