Hỏi: Sau khi bố mẹ chia tay tôi ở với bố tại một căn nhà tập thể và được thừa kế ngôi nhà này khi ông mất. Tôi đã xây lại khang trang, đón mẹ về phụng dưỡng.
Tôi bán ngôi nhà vào cuối năm 1999 và có gọi điện thoại cho vợ chồng anh trai đang sống ở nước ngoài xin ý kiến. Anh chị thống nhất để tôi được hưởng thừa kế. Do đó, tôi yên tâm bán căn nhà này và mua mảnh đất khác sinh sống.
Gia đình anh trai về nước năm 2010. Do kinh tế của anh chị khó khăn nên tôi đã tách riêng hộ khẩu cho mẹ, anh trai và con anh thành một hộ với địa chỉ ở là ngôi nhà hiện tại của tôi.
Đến nay, anh chị tôi muốn đòi chia nhà theo thừa kế. Vậy xin hỏi luật sư, yêu cầu của anh trai tôi là đúng hay sai?
Xin cảm ơn!
Anh Hùng
Theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015, việc từ chối nhận di sản phải
được lập thành văn bản. (Ảnh minh họa)
Trả lời:
Điều 24 Luật Cư trú 2006 quy định, sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Bạn tự mua đất, xây nhà, làm sổ đỏ nên bạn là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà hiện tại. Mẹ và gia đình anh chị bạn không có quyền đòi thừa kế đối với căn nhà này.
Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, tài sản mà mỗi bên vợ hoặc chồng có được sau khi ly hôn là tài sản riêng của người đó. Theo quy định này, căn nhà tập thể là tài sản riêng của bố bạn.
Bạn có quyền thừa hưởng thừa kế căn nhà tập thể nếu khi bố mất có di chúc để lại cho bạn. Trường hợp bố bạn không để lại di chúc thì di sản để lại sẽ được chia đều cho bạn và anh trai. Do đã ly hôn nên mẹ bạn không có quyền hưởng thừa kế.
Tuy anh trai bạn đã từ chối nhận di sản và đồng ý cho bạn thừa kế căn nhà này nhưng việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản (theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015). Trong khi đó, bạn và anh trai chỉ thỏa thuận bằng miệng nên anh ấy vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế về mặt nguyên tắc.
Căn cứ theo những quy định trên, bạn vẫn phải thanh toán bằng một nửa giá trị căn nhà tập thể bố để lại nếu anh trai bạn đòi chia thừa kế sau khi trừ đi các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, đó là các khoản phí như chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; chi phí cho việc bảo quản di sản; tiền cấp dưỡng còn thiếu; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền bồi thường thiệt hại; tiền công lao động; thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; tiền phạt; các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân cùng các chi phí khác.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
(Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)