Hỏi: Ông ngoại tôi có 6 người con. Khi ông ngoại qua đời có để lại ngôi nhà mặt phố nhưng không có di chúc hay bất kỳ một giấy tờ mua bán nào.
Tuy nhiên, các anh em ruột của mẹ tôi đều hiểu ngầm tài sản này sẽ chia ra cho 6 người. Sau nhiều năm, ngôi nhà ông ngoại tôi để lại vẫn chưa được bán. Trong khi đó, mẹ tôi ngày một già yếu. Vậy xin luật sư cho biết, trường hợp mẹ tôi mất trước thời điểm bán nhà, liệu tôi có được hưởng phần thừa kế của bà hay không?
Xin cảm ơn!
Đào Văn Vinh
Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ
tài sản do người chết để lại. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Trả lời:
Theo quy định về người thừa kế tại Điều 613 Bộ Luật Dân sự 2015, người thừa kế là cá nhân, phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Nếu người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 611 Bộ Luật Dân sự 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Như vậy, đối với trường hợp này, thời điểm mở thừa kế là thời điểm ông bạn chết nên mẹ bạn sẽ là một người thừa kế hợp pháp.
Điều 614 Bộ luật này có quy định, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại kể từ thời điểm mở thừa kế. Do đó, trường hợp mẹ bạn mất trước thời điểm bán nhà, vẫn có quyền hưởng phần di sản mà ông ngoại để lại, khi đó phần di sản đó sẽ được cộng vào phần tài sản của mẹ.
Nếu mẹ bạn mất mà có di chúc để lại trong đó chỉ định bạn được hưởng phần thừa kế đó thì bạn có quyền được hưởng. Còn nếu trong di chúc mẹ bạn chỉ định người khác thì bạn không có quyền được hưởng. Nếu mẹ bạn mất mà không có di chúc thì di sản mà mẹ bạn để lại sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất gồm chồng, mẹ đẻ, cha đẻ, mẹ nuôi, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của bà. Theo quy định này, bạn là người được quyền hưởng một phần di sản mẹ bạn để lại.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
(Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)