Con cả được quyền bán mảnh đất do bố đứng tên?

  07/08/2017 - 04:57

Hỏi: Lúc còn khỏe, ông tôi nói miệng cho bố tôi một mảnh đất để làm ăn và chưa lập di chúc. Bà tôi đã mất, hiện ông bị tai biến, sức khỏe yếu. Xin luật sư cho biết, liệu bố tôi (con cả) có được phép bán mảnh đất này hay không?

Chân thành cảm ơn!

Nguyễn Hữu Huân

tặng cho bất động sản
Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có chứng thực, công chứng hoặc
phải đăng ký nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015: “Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật”.

Căn cứ theo quy định nêu trên, việc ông bạn cho bố bạn mảnh đất phải làm thủ tục cho, tặng; lập thành văn bản có chứng thực, công chứng. Trường hợp ông bạn cho mảnh đất nhưng chưa sang tên quyền sử dụng đất và không lập thành văn bản thì chủ sở hữu vẫn không phải là bố bạn xét về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, do cần tiền để chạy chữa cho ông nên bố bạn mới muốn bán mảnh đất này. Vì thế, bố bạn phải làm đơn yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố ông bạn là người mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó, mọi giao dịch liên quan đến tài sản của ông bạn phải thông qua người giám hộ.

Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, nếu không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

- Nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ; nếu vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ.

- Nếu cả hai cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, trong khi người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì con cả là người giám hộ. Trường hợp con cả không có đủ điều kiện, người con tiếp theo sẽ làm người giám hộ... Hiện bà của bạn đã qua đời, bố bạn là con cả sẽ là người giám hộ cho ông bạn.

Điều 58 của Bộ luật Dân sự 2015 có quy định, người giám hộ có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc và chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ.

Điều 59 luật này quy định rõ, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình. Đồng thời, vì lợi ích của người được giám hộ, người giám hộ được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ.

Do đó, mọi trao đổi, mua bán, cho mượn, cho thuê, cho vay, thế chấp, cầm cố, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được người giám sát việc giám hộ đồng ý.

Đối với trường hợp của bạn, bố bạn là người giám hộ của ông bạn nên có quyền bán mảnh đất của ông để lấy tiền chữa bệnh cho ông. Tuy nhiên, để thực hiện giao dịch này, bố của bạn phải được người giám sát việc giám hộ đồng ý.

Theo quy định hiện hành, người giám sát việc giám hộ do người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử trong số những người thân thích hoặc có thể chọn pháp nhân, cá nhân khác làm người giám sát việc giám hộ.

Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
(Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu