Hỏi: Hiện gia đình tôi có hai mảnh đất ở Hà Nội. Trong đó, một mảnh ở xã Đình Xuyên (Gia Lâm) diện tích là 80m2; một mảnh ở phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân) diện tích là 75m2.
Bố mẹ tôi muốn tách mảnh đất ở Gia Lâm làm 2 thửa và Thanh Xuân làm 2 thửa để chia cho 4 anh em tôi. Tuy nhiên, mảnh đất ở Gia Lâm lại không tách được. Xin luật sư cho biết lý do vì sao?
Chân thành cảm ơn!
Diện tích tối thiểu để được tách thửa đất ở Hà Nội?
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Trả lời:
Trường hợp bạn hỏi, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo quy định của UBND TP Hà Nội, thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải đảm bảo đủ các điều kiện sau đây:
Khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Quyết định 22/2014/QĐ-UBND ban hành quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP được Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ giao về hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; diện tích, kích thước đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn TP Hà Nội quy định:
Những thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải đảm bảo đủ các điều kiện như có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng (đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên thửa đất) từ 3m trở lên; diện tích không nhỏ hơn 30m2 với khu vực thị trấn, phường và không nhỏ hơn 50% mức tối thiểu của hạn mới giao đất ở mới đối với các xã còn lại. Cụ thể:
Các phường: 30m2
Các xã giáp ranh các quận và thị trấn: 60m2
Các xã vùng đồng bằng: 80m2
Các xã vùng trung du: 120m2
Các xã vùng miền núi: 150m2
Đối với thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn: Khi chia tách thửa đất có hình thành đường giao thông sử dụng chung thì đường giao thông đó phải có mặt cắt ngang 2m và kích thước, diện tích thửa đất sử dụng riêng phải đảm bảo đủ các điều kiện.
UBND TP Hà Nội không cho phép việc tách thửa đối với các trường hợp dưới đây:
Khoản 3 Điều 5 Quyết định 22/2014/QĐ-UBND quy định các trường hợp không được tách thửa gồm có:
- Các thửa đất gắn liền với nhà đang thuê theo Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ (nay được thay thế bởi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn về Luật Nhà ở) mà người đang thuê chưa hoàn thành thủ tục mua nhà và cấp Giấy chứng nhận theo quy định;
- Thửa đất nằm trong các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch, dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch để xây dựng nhà ở đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thửa đất gắn liền với nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước đã bán, tư nhân hóa nhưng thuộc tiêu chí tôn tạo, bảo tồn theo Quy chế sử dụng, quản lý nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP (ban hành kèm theo Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND TPHà Nội);
- Thửa đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
- Thửa đất thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Thửa đất ở giao cho cá nhân, hộ gia đình với hạn mức giao đất ở mới làm căn cứ để giao đất làm nhà ở nông thôn tại điểm dân cư nông thôn, giao đất ở tái định cư, giao đất ở cho cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn TP Hà Nội, cụ thể:
Các phường: từ 30m2 đến 90m2
Các xã giáp ranh các quận và thị trấn: từ 60m2 đến 120m2
Các xã vùng đồng bằng: từ 80m2 đến 180m2
Các xã vùng trung du: từ 120m2 đến 240m2
Các xã vùng miền núi: từ 150m2 đến 300m2
Vì bạn không nói rõ hiện trạng mảnh đất ở xã Đình Xuyên (Gia Lâm) nên chúng tôi không thể đưa ra lý do cụ thể mà mảnh đất của gia đình bạn không được tách thửa là gì. Thế nhưng, bạn có thể đối chiếu trường hợp của gia đình mình dựa trên những điều kiện nêu trên.
Còn nếu mảnh đất của gia đình bạn đảm bảo được các điều kiện tách thửa, không thuộc trường hợp không được phép tách thửa theo quy định trên thì mảnh đất của gia đình bạn hoàn toàn có đủ điều kiện tách thửa. Bạn có thể nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện làm thủ tục tách thửa để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới.
Luật sư Vũ Hồng Hoa
(HTX Luật Đống Đa)