Hỏi: Sắp tới, tôi sẽ mua một căn nhà. Vì nhiều lý do nên tôi muốn nhờ người chị họ đứng tên sổ đỏ. Xin luật sư cho biết, tôi có nên làm như vậy không?
Chân thành cảm ơn!
Kim Huyền
Chủ sở hữu thực sự sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi nhờ người đứng tên sổ đỏ.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Trả lời:
Theo quy định pháp luật hiện hành, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) là căn cứ chứng minh quyền của chủ sử dụng/sở hữu đối với bất động sản của mình.
Thực tế cho thấy, có người đã nhờ người khác đứng tên mua bất động sản cho mình bởi nhiều lý do khác nhau. Trong trường hợp này, người chủ thực sự chỉ có thể định đoạt tài sản của mình thông qua người được nhờ đứng tên trên Giấy chứng nhận. Vì vậy, khi nhờ người đứng tên hộ sổ đỏ, bạn không thể tránh khỏi rủi ro, trường hợp phổ biến nhất là người được nhờ đứng tên muốn chiếm đoạt tài sản của chủ tài sản.
Mặt khác, nếu người đứng tên trên sổ đỏ chết thì theo quy định tài sản đó sẽ trở thành di sản của người đã chết và được chia thừa kế theo pháp luật. Trong khi đó, những người thừa kế lại có thể không chịu thừa nhận về nguồn gốc thực sự của tài sản dù họ biết hay không biết giao dịch nhờ đứng tên này. Cũng có thể xảy ra trường hợp ly hôn và người chồng hoặc vợ yêu cầu chia tài sản chung do tài sản này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân.
Bên cạnh đó, bạn có thể gặp phải rủi ro khác là người được nhờ đứng tên có nghĩa vụ tài sản với một người thứ ba và theo quyết định của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài sản đó bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ… Vì vậy, quyền lợi của người chủ thực sự sẽ không được đảm bảo, bạn có thể hoàn toàn mất đi quyền lợi đáng lẽ được hưởng với tư cách là chủ sở hữu của bất động sản.
Đồng thời, ở góc độ pháp lý, việc bạn nhờ đứng tên Giấy chứng nhận là trái với quy định của pháp luật. Theo quy định tại Khoản 16 điều 3 Luật đất đai năm 2013: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Vậy nên, khi bạn nhờ người đứng tên trên giấy chứng nhận thì Nhà nước đã thừa nhận quyền sử dụng/sở hữu của người đó đối với bất động sản trong khi thực tế họ không phải là chủ dụng/sở hữu thực sự của nhà đất.
Trong trường hợp không chứng minh được là chủ sở hữu nhà thật sự, bạn sẽ không được công nhận quyền sở hữu nhà và mất trắng tài sản do mình bỏ tiền ra mua. Thậm chí, nếu bạn chứng minh được mình là chủ sở hữu nhà thật sự thì cũng chịu nhiều thiệt hại về thời gian và tiền bạc trong thời gian tranh chấp.
Tóm lại, để tránh gặp phải rủi ro, bạn không nên nhờ người khác đứng tên khi mua nhà. Tuy nhiên, nếu buộc phải nhờ người đứng tên sổ đỏ, để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra, bạn nên cân nhắc kĩ, lập cam kết, thỏa thuận rõ ràng, giữ hóa đơn, chứng từ có thể chứng minh bạn là chủ sở hữu nhà thật sự.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
(Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)