Nếu không cẩn trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng, cả tin vào những lời hứa hẹn "miệng" của người bán, khách hàng có thể thiệt hại cả trăm triệu đến tiền tỷ.
Bên bán nhận tiền đặt cọc xong nhưng "phủi" cam kết làm lại sổ đỏ
Vào cuối tháng 5/2015, khi thấy tin rao bán nhà gấp trên internet, gia đình chị Trịnh Thu Trang (tổ 9A, ngõ 151 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) đến xem căn nhà 14 ngách 79 tai ngõ Thổ Quan (Đống Đa). Gia chủ cho biết “sổ đỏ” (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) chỉ 37,9m2. Trong khi đó “diện tích mặt đất 60m2” như quảng cáo là gồm cả phần sân trước nhà lấn chiếm trái phép mặt ngách. Chị Trang chia sẻ: “Ngày 2/6/2015, bố mẹ tôi quay lại đàm phán lần cuối giá cả với trình tự bàn giao tiền - nhà - sang tên “sổ đỏ” và nói rõ với chủ nhà nếu thống nhất sẽ đặt cọc ngay”.
Ông Tôn Hữu Nghị - chủ nhà cho biết, “sổ đỏ” đang được thế chấp tại Phòng giao dịch số 6 (PGDS6) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) để vay 1 tỷ đồng. “Chủ nhà khẳng định sau khi tất toán 1 tỷ đồng xong thì PGDS6 sẽ giải chấp “sổ đỏ” nhanh chóng rồi đưa luôn cho bên mua”, chị Trang kể lại. Để khách mua tin tưởng tuyệt đối, ông Nghị gọi điện thoại (bật loa ngoài) cho tất cả nghe Trưởng phòng tín dụng PGDS6 Nguyễn Thị Ngọc Trinh cam kết sẽ làm thủ tục trước để kịp giải chấp “sổ đỏ” ngay trong ngày chủ nhà tất toán.
Đồng thời ông Nghị cũng cam kết sẽ “chịu trách nhiệm đến cùng” làm lại “sổ đỏ” mới có diện tích hợp pháp là 43m2 cho bên mua xong mới nhận nốt 5% tiền bán nhà. Gia đình chị Trang hoàn toàn tin tưởng và đặt cọc 200 triệu đồng.
Vậy nhưng, chỉ vài hôm sau, gia đình chị Trang choáng váng khi phát hiện cam kết làm lại “sổ đỏ” mới với diện tích 43m2 cho khách và thông tin thế chấp “sổ đỏ” tại PGDS6 vay 1 tỷ đồng đều sai sự thật. Chị Trang ấm ức nói: “Vì thiếu hiểu biết, vào chiều 7/6/2015, bố tôi đành viết giấy từ chối mua nhà và chấp nhận mất tiền đặt cọc. Kết quả này là hệ là hệ quả trực tiếp và tất yếu khi bố mẹ tôi nhận ra bị chủ nhà cố tình gian dối”.
Không chỉ gia đình chị Trang là nạn nhân duy nhất, trước đó người thân của chị Bùi Thị Phương Thảo (93 Nguyễn Hữu Huân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng khóc dở mếu dở khi giao dịch mua nhà với gia đình ông Tôn Hữu Nghị. Theo khẳng định của gia chủ, diện tích thật của ngôi nhà là 48m2. Trường hợp khách mua nhà, bên bán sẽ đính chính được số liệu rất quan trọng này trên sổ đỏ.
Song sau khi bán ngôi nhà đang ở để mua nhà ông Nghị, người thân của chị Thảo chột dạ khi thấy chính chủ nhà khuyên đừng đính chính vì tốn tiền “chẳng để làm gì”; cùng đó yêu cầu thanh toán 100% chứ không cho đặt cọc… Chính vì vậy, chị Thảo kịp dừng giao dịch mua nhà ông Nghị nhưng phải chịu phạt với khách đặt cọc mua nhà mình trước đó.
Đây là thông tin quảng cáo bán nhà của ông Nghị trên mạng
Luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khuyến cáo người mua nhà, những loại nhà đất rao bán trên báo hoặc internet tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với khách mua. Để tránh những rủi ro khôn lường có thể xảy ra, người mua nên tham khảo thông tin ở những cơ sở tin cậy như chính quyền địa phương, luật sư.
Thông tin mâu thuẫn, không minh bạch
Trong vai một khách hàng cần tìm mua nhà, vào chiều 20/8/2015, phóng viên Báo Giao thông đã đến số nhà 14 ngách 79 ngõ Thổ Quan để tìm hiểu thông tin liên quan đến việc bán nhà của gia đình ông Nghị. Theo mẹ đẻ của ông Nghị, bà Châu Lệ Quyên, ngôi nhà có diện tích thực tế là 60m2 song diện tích trong sổ đỏ chỉ gần 40m2, nguyên nhân là 10m2 phần trước nhà do gia đình xây lấn chiếm. Mặt khác, còn khoảng gần 10m2 phía trong nhà cũng không được thể hiện trong sổ đỏ. Bà Quyên cho biết: “Đúng ra diện tích sổ đỏ của gia đình tôi phải rơi vào tầm 50m2 nhưng không hiểu sao khi làm giấy tờ lại chỉ ghi có gần 40m2!”.
Phóng viên đặt vấn đề điều chỉnh sổ đỏ cho đúng với diện tích thực tế, mẹ đẻ ông Nghị lại lấp lửng, nếu khách muốn thì cứ làm nhưng không cần thiết. Đối với phần diện tích 10m2 lấn chiếm, bà Quyên cũng trấn an rằng, gia đình ở nhiều năm nay không vấn đề gì và khẳng định “nhiều hộ trong ngách cũng lấn chiếm như vậy và vẫn sử dụng bình thường 10 năm nay”.
Tuy nhiên, thông tin rao bán ngôi nhà này trên một số địa chỉ mua bán nhà đất có nơi ghi diện tích 65m2, nơi lại là 58m2. Như vậy, căn nhà này sẽ có mức giá bán khoảng 5,2 tỷ đồng - giá “chốt” của chủ nhà. Điều đáng nói là, sự khác biệt về diện tích như quảng cáo với diện tích hợp pháp sẽ khiến giá trên mỗi m2 của căn nhà chênh lệch lớn, theo tính toán của chúng tôi sẽ từ 80-130 triệu đồng.
Phóng viên Báo Giao thông liên lạc với ông Nghị vào chiều 21/8/2015 và đặt vấn đề về chiêu thức bán nhà “hứa hẹn” như trường hợp của chị Trang. Chủ nhà cho biết, ông không hề “hứa hẹn” với gia đình chị Trang về việc sẽ điều chỉnh thông số diện tích ngôi nhà trong sổ đỏ từ 37,9m2 lên 43m2. Ông Nghị khẳng định: “Ngày xưa có thể địa chính đo sai nên tôi chỉ hỗ trợ để người ta đo lại chứ không bao giờ hứa như vậy”.
Liên quan đến thông tin thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng bị tố gian dối, gia chủ lý giải rằng, ông nộp sổ đỏ vào PGDS6 với dự định thế chấp vay 1 tỷ đồng vào đầu tháng 5. Sau đó ông Nghị đã làm đơn xin dừng không vay tiền nữa nhưng sổ đỏ vẫn đang để trong Ngân hàng Agribank.
Song trong tài liệu gia đình chị Trang cung cấp cho phóng viên Báo Giao thông thể hiện ông Nghị có cam kết điều chỉnh diện tích sổ đỏ căn nhà lên 43m2. Mặt khác, cả ông Nghị và Trưởng phòng tín dụng PGDS6 Nguyễn Thị Ngọc Trinh không giải thích được tại sao ông Nghị chưa vay tiền mà phía ngân hàng lại yêu cầu tất toán xong sẽ giải chấp sổ đỏ.
Theo Luật sư Bùi Đình Ứng, đối với trường hợp này cần kiểm tra kỹ lại các thỏa thuận giữa hai bên trong quá trình giao dịch để xác định bên nào vi phạm hợp đồng. Một khi hai bên không thỏa thuận được có thể khởi kiện ra tòa.