Ngày 2/5/2019, tại phiên hiến kế Tài chính - Tín dụng có chủ đề khơi thông dòng vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, đại diện VinaCapital - bà Dương Trần đề xuất nới giới hạn vay của quỹ đầu tư bất động sản.
Bà Dương Trần cho rằng, bên cạnh những vấn đề về thuế thì việc chuyển nhượng cũng là rào cản gây khó cho sự phát triển của quỹ đầu tư bất động sản.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư rót 13-30% vốn vào quỹ bất động sản mất 6 năm để chuyển nhượng. Do thời gian được phép chuyển nhượng dài nên giới đầu tư không mặn mà đổ tiền vào quỹ này. Đại diện VinaCapital kiến nghị: "Nên áp dụng thời gian hạn chế chuyển nhượng để kích thích nhà đầu tư và thời gian khoảng một năm là phù hợp".
Mặt khác, việc vận hành quỹ cũng gặp khó bởi giới hạn vay. Giới hạn vay của quỹ đầu tư bất động sản là 5% trên tổng giá trị tài sản ròng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu lên tới 15% nên giới hạn vay này còn khiêm tốn. Theo bà Dương Trần, giới hạn vay nên tăng lên mức 15% mới phù hợp.
|
Quỹ đầu tư bất động sản là hướng cân bằng dòng vốn trong bối cảnh thị trường
có xu hướng sụt giảm. |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam nhận định, trong bối cảnh thị trường địa ốc có xu hướng sụt giảm, quỹ đầu tư bất động sản là hướng cân bằng dòng vốn.
Thế nhưng, các quy định của pháp luật hiện chưa thúc đẩy hình thành cũng như hoạt động của quỹ. Trên thực tế, độ rủi ro của nhiều quỹ cao nên dân chọn gửi ngân hàng an toàn hơn thay vì rót tiền vào quỹ. Để có thể thu hút dòng vốn trong dân, Nhà nước nên miễn thuế cho quỹ đầu tư bất động sản, đồng thời đánh thuế cho những người được chia cổ thức theo mô hình của Indonesia, Thái Lan.
Vị này kiến nghị, Nhà nước nên hình thành ngân hàng tiết kiệm nhà ở theo mô hình của Séc và Đức. Người có thu nhập trung bình, người nghèo sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ các tổ chức này.
Trong khi đó, theo ông Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính, từ năm 2012, quỹ đầu tư bất động sản đã được manh nha. Thế nhưng, việc vận hành quỹ này vẫn gặp phải 2 vướng mắc lớn là thuế và niềm tin.
Kết quả khảo sát của Ủy ban Chứng khoán cho biết, Việt Nam hiện mới có 1 quỹ 50 tỷ đồng song vẫn chưa hoạt động. Vậy, vướng mắc nào khiến quỹ chưa thể hoạt động? Để có thể đưa ra mô hình quỹ có tín nghiệm cao, hành lang pháp lý của quỹ là vấn đề cần được xem xét, bàn luận thêm.