Sinh viên được mua nhà, giấc mơ có xa vời?

  27/10/2014 - 02:49

Sinh viên được hỗ trợ vay vốn mua nhà. Vậy ước mơ sở hữu một căn nhà liệu có còn là quá xa vời đối với các bạn sinh viên?

Trong thời gian qua, chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 61/NQ – CP nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ – CP ngày 7/1/2013. Nghị quyết này được ban hành nhằm tháo gỡ các khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Nhưng điều đáng chú ý là trong nghị quyết có một nội dung rất mới, đó là sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng và trung học cũng trở thành đối tượng được hỗ trợ vay vốn mua nhà xã hội. Để chính sách trên trở nên khả thi hơn, Chính phủ đã bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần được tham gia cho vay hỗ trợ mua nhà.

Khi mới nghe thông tin này, rất nhiều bạn sinh viên vô cùng vui mừng. Khả năng hiện thực hóa giấc mơ có ngôi nhà tại các thành phố lớn sẽ không còn quá xa vời với các bạn sinh viên. Bạn Oanh, sinh viên trường Đại học Sài Gòn chia sẻ, được sở hữu một căn nhà là mơ ước nhọc nhằn của rất nhiều gia đình công chức. Nhưng nay, với chính sách mới này, dường như sinh viên cũng có cơ hội để chạm tay vào điều mà từ trước tới giờ chưa ai dám nghĩ tới.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều bạn sinh viên, đây không phải là một chính sách khả thi. Vì một sinh viên, nếu không có sự hậu thuẫn của gia đình, sẽ rất khó để trả cả tỷ đồng (cả vốn lẫn lãi) trong nhiểu năm trời để mua được một căn nhà.

Hầu hết các bạn sinh viên đều đang đi làm thêm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng đồng lương kiếm được là rất bèo bọt. Cuộc sống thì ngày càng khó khăn hơn và sau khi tốt nghiệp, những khoản trợ cấp của bố mẹ sẽ không còn. Vậy khi đó, chuyện cơm áo gạo tiền còn lo chưa nổi thì làm sao dám tính đến chuyện mua nhà. Liệu có ai dám chắc rằng, sau khi ra trường khoảng 3, 4 năm, các bạn sinh viên đã tìm được việc làm ổn định với mức thu nhập vừa đủ nuôi sống bản thân, vừa đủ trả nợ ngân hàng.

Sinh viên được mua nhà, giấc mơ có xa vời?
Sở hữu một căn nhà đối với sinh viên liệu có phải là ước mơ xa vời?

Thực tế cho thấy, hầu hết các bạn sinh viên phải mất nhiều năm xoay sở để có được một công việc phù hợp. Vài năm tiếp theo, khi đã có kinh nghiệm, mức lương có thể cải thiện hơn nhưng liệu với mức sống đắt đỏ tại các thành phố lớn, họ sẽ tích góp được bao nhiêu cho giấc mơ mua nhà? Đó là chưa tính tới những việc như lập gia đình, sinh con, nuôi con ăn học…

Nói về vấn đề này, PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh cho rằng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ như vậy là rất tốt. Nhưng giả sử, sau khi được vay vốn để mua nhà, sinh viên bỏ học hoặc không tốt nghiệp hay sau khi tốt nghiệp lại không có việc làm thì sao? Đến lúc đó, nhà nước sẽ thu hồi vốn vay bằng cách nào? Và nếu sinh viên không có nhu cầu thực sự về nhà ở nhưng vẫn đứng tên vay vốn hộ người khác thì sẽ giải quyết ra sao?

(Theo Gia đình Việt Nam)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu