Từ 5/8/2015 sẽ siết chặt công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng

  03/08/2015 - 04:50

Vào ngày 5/8 tới, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung thi hành Luật Xây dựng năm 2014 về quản lý dự án đầu tư xây dựng chính thức có hiệu lực.

quản lý các dự án đầu tư xây dựng
Nghị định 59/2015/NĐ-CP góp phần nâng cao công tác quản lý vốn nhà nước
cũng như đảm bảo tính khả thi khi Luật Xây dựng 2014 đi vào cuộc sống.

Có thể nói, Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2015 được coi là bước ngoặt đánh dấu sự đổi mới kế tiếp về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, cá nhân, tổ chức và quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Với mục đích để Luật Xây dựng 2014 sớm đi vào cuộc sống, hiện Nghị định 59 đã quy định rõ các nguyên tắc cơ bản của quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Theo Nghị định trên, việc quản lý dự án đầu tư xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, người quyết định đầu tư, của chủ đầu tư và cá nhân, tổ chức có liên quan đến thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng của dự án. 

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quản lý toàn diện, chặt chẽ, theo đúng trình tự để bảo đảm mục tiêu đầu tư, tiến độ thực hiện, chất lượng dự án, tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả tốt.

Còn đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có cấu phần xây dựng được quản lý như đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Với các công trình sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước quản lý về chủ trương đầu tư, quy mô đầu tư, mục tiêu, chi phí thực hiện cùng các tác động của dự án đến cảnh quan môi trường, an ninh quốc phòng, an toàn cộng đồng và hiệu quả của dự án. Nghị định nêu rõ, chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm quản lý thực hiện dự án theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác được Nhà nước quản lý về mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư và các tác động của dự án đến môi trường, cảnh quan, an toàn cộng đồng và an ninh, quốc phòng.

Ngoài ra, Nghị định cũng phân loại rõ quy mô các dự án theo tính chất, quy mô và loại công trình chính của dự án, cụ thể: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C theo các tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công.

Những dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo; các công trình xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng không bao gồm tiền sử dụng đất.

Và các dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo loại nguồn vốn sử dụng gồm dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, công trình sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án sử dụng vốn khác.

(Theo Trí thức trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu