Trong năm 2015 vừa qua, giá trị các sản phẩm bất động sản (BĐS) của các doanh nghiệp lớn vẫn tăng cao, bất chấp việc thị trường ấm lên. Thống kê của VnExpress cho thấy, đến hết năm 2015, 5 doanh nghiệp địa ốc lớn là Vingroup, Khang Điền, Kinh Bắc, Phát Đạt và Công ty Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC) tồn kho 51.087 tỷ đồng (2,27 tỷ USD), so với năm trước đó đã tăng 43%.
Với top 10 doanh nghiệp BĐS được thống kê, tồn kho lên đến 66.617 tỷ đồng (tương đương 2,96 tỷ USD), con số này tăng gần 37% so với năm 2014 và 2013 (vào khoảng 48.000 tỷ đồng).
Tồn kho BĐS của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao trong năm 2015.
(Nguồn ảnh: Hoàng Hà).
Cụ thể, Tập đoàn Vingroup ghi nhận tồn kho xấp xỉ 26.966 tỷ đồng, so với năm 2014 đã tăng 65,3%. Song, các sản phẩm này chủ yếu đến từ các dự án đang xây dựng dở dang, BĐS đã hoàn thành chỉ tồn ở mức 1.553 tỷ đồng. Mặt khác, tuy hàng tồn kho tăng cao nhưng doanh thu của Vingroup vẫn tăng trưởng 23% đạt gần 34.000 tỷ đồng.
Năm 2015 được xem là năm thắng lợi của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc khi lợi nhuận tăng gấp đôi và doanh thu tăng trưởng 36%. Thế nhưng, lượng tồn kho của doanh nghiệp tăng mạnh tới 8.364 tỷ đồng chủ yếu do chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các khu đô thị Tràng Cát, Phúc Ninh, Tân Phú Trung, Tràng Duệ, Quang Châu,…
Trong khi đó, tồn kho của Công ty Phát triển BĐS Phát Đạt tuy chỉ tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức cao - 5510 tỷ đồng và chiếm 79% tổng tài sản của công ty. Chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, chi phí xây dựng, chi phí san lấp mặt bằng và các chi phí đầu tư cho các dự án đang triển khai như EverRich Infinity, EverRich 2 và 3, dự án Long Thạnh Mỹ, Nhà Bè.
Các 'ông lớn' có hàng tồn kho tăng mạnh là Công ty Đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền tồn kho 5857 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ trên 2.000 tỷ đồng. Những dự án thuộc Xây dựng Bình Chánh, Khang Điền Long Trường, Song Lập Tân Phú, Nhà Phố, hay Quốc tế Phú Hữu… cũng góp phần lớn vào giá trị tồn kho của doanh nghiệp địa ốc này.
Biểu đồ 10 doanh nghiệp BĐS hiện có giá trị hàng tồn kho gần 3 tỷ USD.
tính đến tháng 9/2015, Quốc Cường Gia Lai cũng có tồn kho lên tới 5.311 tỷ đồng ở các dự án khu dân cư Phước Kiển, Quốc Cường Gia Lai 2. Còn Becamex IJC có tồn kho 4.390 tỷ đồng chủ yếu là các công trình xây dựng nhà phố, nhà biệt thự, khu thương mại, nhà chung cư. Khu đô thị IJC chiếm 2.148 tỷ đồng trong số đó.
Một số đại gia BĐS khác cũng có lượng hàng tồn kho cao như Địa ốc Sài Gòn Thương Tín 2.735 tỷ đồng, Xây dựng Bình Chánh 2.195 tỷ đồng, Nam Long 3.673 tỷ đồng, Công ty Đầu tư Kinh doanh Nhà 1.616 tỷ đồng…
Nguyên nhân khiến tồn kho tại các doanh nghiệp địa ốc lớn liên tục leo thang trong năm 2015 là do thị trường tăng trưởng nóng, doanh nghiệp BĐS mở rộng đầu tư xây dựng dự án. Ở khía cạnh tích cực, tồn kho thể hiện sức mạnh nội tại của doanh nghiệp bởi chỉ các 'ông lớn' mới có quỹ đất lớn và dự án lớn. Tuy nhiên, nếu không tận dụng cơ hội và có thực lực thì các núi hàng tồn sẽ là gánh nặng, mất động lực tăng trưởng của doanh nghiệp.
Giới tài chính dự báo, BĐS sẽ tăng trưởng mạnh và là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm nay. Lo sợ việc phát triển quá nóng của thị trường BĐS, Ngân hàng Nhà Nước vừa lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36, siết chặt hơn việc cho vay BĐS.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2015, lượng tồn kho BĐS còn 50.889 tỷ đồng, đã giảm 54.100 tỷ so với tháng 12/2014. Hàng tồn kho giảm chủ yếu do lượng giao dịch thành công tăng ở phân khúc căn hộ có diện tích vừa và nhỏ, đã hoàn thiện, hạ tầng và tiến độ xây dựng tốt.