Ban quản lý dự án 6 đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Phan Thiết với tổng mức đầu tư xấp xỉ 27.840 tỷ đồng.
Dự án trên nhằm giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, giúp rút ngắn thời gian đi lại từ các địa phương tới các khu vực tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch đồng bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Hà Nội - Cần Thơ.
Cao tốc Nha Trang - Phan Thiết có chiều dài 235km điểm đầu xã Diên Thọ (Diên Khánh, Khánh Hòa) và điểm cuối km235 giao với Quốc lộ 1A đi Bà Bàu, đât cũng là điểm cuối dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).
Chi gần 27.840 tỷ đồng đầu tư xây cao tốc Nha Trang - Phan Thiết.
Theo quy hoạch, tuyến được thiết kế với quy mô 6 làn xe, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, các đoạn qua hầm đạt 80 km/h, bề rộng nền đường 17m. Ngoài 94 cầu có tổng chiều dài 12km, tuyến còn có 4 hầm đường bộ, hầm lớn nhất là Núi Vung dài 1,7km.
Tổng mức đầu tư của dự án là 27.837 tỷ đồng, chia làm 2 hợp phần, hợp phần 1 đoạn từ Km53+400 - Km 142 + 5000 đầu tư bằng vốn ODA với tổng mức đầu tư là 9.279 tỷ đồng; trong khi hợp phần 2 đoạn từ Km0 - Km53+400 và đoạn Km142 +500 đến Km235 có tổng mức đầu tư là 16.147 tỷ đồng theo hình thức BOT. Nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn trong vòng 21 năm với mức phí khởi điểm 1.500 đồng/km đối với hợp phần BOT, sau mỗi 3 năm tăng phí một lần, mỗi lần là 12%.
Theo dự kiến, công trình sẽ được khởi công vào quý III/2017 và hoàn thành sau 3 năm xây dựng.
Hồi đầu năm 2015, Ban Quản lý dự án 6 cũng trình Bộ Giao thông Vận tải xin phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Phan Thiết (Bình Thuận) có 4 làn xe theo hình thức huy động các nguồn vốn của các nhà đầu tư, vốn ODA, ngân sách Nhà nước...
Đồng thời, Ban Quản lý dự án 6 đưa ra 3 phương án đầu tư, cụ thể: Phương án 1 từ km0-km235 dài 235km, với kinh phí 47.558 tỷ đồng. Đơn vị lập dự án nhìn nhận phương án này có chi phí đầu tư lớn, ở thời điểm này sẽ khó khăn trong việc huy động vốn.
Phương án 2 bắt đầu ở km6+647-km235 dài 228km với tổng mức đầu tư 46.330 tỷ đồng để đảm bảo tính kết nối tốt với mạng lưới giao thông quốc gia kết nối Tp.HCM và các tỉnh phía Nam với TP Nha Trang nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư đồng thời sớm hoàn thiện đường cao tốc Bắc Nam phía Đông theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong khi đó, phương án 3 tại km3+400-km235 có chiều dài 183km với số vốn 39.937 tỷ đồng. Ưu điểm của phương án này là, vốn đầu tư không lớn và phù hợp với sự phân kỳ theo đoạn nhưng lại khó hoàn thành sớm mạng lưới đường cao tốc Bắc-Nam theo quy hoạch.