Bất động sản năm 2015: Đón dòng vốn ngoại

  19/12/2014 - 08:03

Năm 2014 chứng kiến sự phục hồi của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào thị trường bất động sản. Dự báo năm 2015 sẽ là thời điểm cho các khoản đầu tư này tích cực giải ngân.

Dòng tiền quay trở lại

Nếu như năm 2008 ghi nhận số vốn FDI vào bất động sản tại Việt Nam lập kỷ lục với 23,6 tỷ USD thì những năm sau đó, dòng tiền đổ vào lĩnh vực này đã giảm sút. Đã có không ít nhận định cho rằng, bất động sản không còn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, theo quan điểm của GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn lớn, vấn đề là Việt Nam có xây dựng được những chính sách thu hút đầu tư hay không..

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến tháng 10/2014, FDI vào bất động sản đứng thứ 2 trong số các lĩnh vực với hơn 1,2 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, so với con số 951 triệu USD của năm 2013. Đồng thời, từ năm 1988 đến nay, bất động sản cũng ở vị trí thứ 2 (sau sản xuất) về thu hút FDI với 50,1 tỷ USD vốn đăng ký từ 430 dự án.

Năm 2014, chứng kiến dòng vốn FDI quay lại thị trường bất động sản, đáng kể nhất là các nhà đầu tư đến từ châu Á như: Singapore, Nhật Bản,Hồng Kông, Hàn Quốc, ... Cần phải nói thêm là các nhà đầu tư Hàn Quốc đang dẫn đầu về vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam với khoảng 7 tỷ USD cho 80 dự án.

Bên cạnh việc thâm nhập vào thị trường bất động sản bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh, liên kết, thời gian qua, các nhà đầu tư ngoại cũng đã gián tiếp đầu tư với việc trở thành cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết.

Theo thống kê của CBRE Việt Nam, tính đến tháng 8/2014, trong số 73 doanh nghiệp niêm yết trong ngành bất động sản thì có đến 61 doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài và 15 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có sở hữu nước ngoài chiếm hơn 20%.

Mới đây, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, trong đó có việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bỏ vốn vào thị trường Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thành Ân, đại sứ quan hệ quốc tế của Hưng Thịnh Corp., đánh giá những cải cách này đã giúp nâng uy tín của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... Được biết, vừa qua, ông Ân cũng chính là cầu nối đưa các nhà đầu tư của Mỹ sang Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư nhằm phát triển bất động sản nghỉ dưỡng và nhà ở.

Thống kê vốn FDI đăng ký vào bất động sản từ năm 1988 đến nay


Thống kê vốn FDI đăng ký vào bất động sản từ năm 1988 đến nay

Thị trường được khơi thông

Triết lý của các nhà đầu tư là mua vào khi thị trường đi xuống, bởi vậy, thời gian qua là cơ hội để họ "săn lùng" các dự án tại Việt Nam. Tung Shin, Sun Wah (Hồng Kông), Aeon (Nhật), Mapletree (Singapore),... đều đã mua lại hoặc hợp tác đầu tư với các chủ đầu tư dự án nhằm mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Cùng với đó là sự xuất hiện của những tên tuổi khác như Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản), hoặc mới đây là việc Quỹ đầu tư Global Emerging Markets (GEM, Mỹ) cam kết sẽ đầu tư vào cổ phiếu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khoảng 80 triệu USD.

Theo CBRE Việt Nam, nhà đầu tư ngoại vẫn dành sự quan tâm cho thị trường bất động sản Việt Nam, với hơn 70% là các nhà đầu tư đã hiện hữu lâu năm, phần còn lại là các nhà đầu tư mới.

Ông Cao Thanh Hoàng, đại diện Công ty Quản lý Quỹ KHM Capital, nhận định, thời điểm vừa qua đủ để các nhà đầu tư ngoại mua và tích lũy dự án để chờ thị trường hồi phục, khi đó, nhà đầu tư sẽ bước vào cuộc đua thật sự. Nhận xét của ông Hoàng là hoàn toàn hợp lý khi liên tiếp thời gian gần đây, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tuyên bố hợp tác để đẩy mạnh triển khai dự án trong năm 2015.

Cụ thể, mới đây, sau khi các thủ tục đầu tư tương đối hoàn chỉnh, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (MCK: NBB) đã công bố dự án City Gate Towers ( nằm trên mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.8, Tp.HCM). Dự án này cũng đánh dấu lần hợp tác đầu tiên đầu tiên của NBB với Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản).

Ngày 4/12, NBB đã thông qua kết quả đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ với số lượng 4,6 triệu cổ phiếu cho Creed Group (Creed Group đang sở hữu 11,76% vốn điều lệ của NBB). Được biết, Creed Group hiện quản lý khoảng 5 tỷ USD giá trị tài sản trên thế giới. Tập đoàn này cũng đã phát triển 22 dự án tại các thành phố lớn của Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư lên đến 800 triệu USD.

Nói về sự thay đổi của NBB khi có sự tham gia của Creed Group, ông Mai Thanh Trúc, Giám đốc Kinh doanh Công ty NBB cho biết, không chỉ City Gate Towers, Creed Group còn cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ tài chính cùng NBB triển khai thêm 3 dự án nữa trong giai đoạn từ 2016 - 2018, cụ thể là dự án NBB Garden II, NBB Garden III và Diamond Riverside. Trong đó, đối tác Nhật sẽ góp tới 50% vốn vào NBB Garden II và IIII. Riêng dự án City Gate Towers (được mở bán trong tháng 12 này), phía Creed Group sẽ đầu tư tới 80% trên tổng mức 1.300 tỷ đồng vốn.

Ông Trúc còn cho rằng trong thời gian tới, Creed Group sẽ tiếp tục mua thêm 10 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của NBB và đến thời điểm dự kiến diễn ra đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4/2015, Creed Group sẽ chắc suất một thành viên tham gia vào HĐQT của NBB.

Ngoài Creed Group, một cổ đông nước ngoài khác của NBB là Saigon Asset Management (SAM), sở hữu 12% vốn điều lệ. NBB hiện đang là 1 trong 5 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có sở hữu nước ngoài chiếm đến hơn 40%. Như vậy, sau một thời gian dài tìm kiếm các đối tác có tiềm lực về tài chính để cùng triển khai dự án, đến thời điểm này, 4/5 dự án nhà ở của NBB tại Tp.HCM đều đã có sự đảm bảo về vốn để triển khai thực hiện.

Cùng với NBB, Công ty CP Bất động sản Phát Đạt (MCK: PDR) cũng vừa công bố thông tin sẽ làm việc với 18 quỹ đầu tư (trong và ngoài nước) để tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2014, đại diện của Công ty đã cho biết về việc hợp tác với một tập đoàn bất động sản đến từ Trung Quốc để cùng phát triển các block còn lại của dự án The EverRich 2 (Q.7, Tp.HCM).

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Phát Đạt, nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay chủ trương của Phát Đạt là đầu tư vào các dự án có khả năng tạo ra dòng tiền nhanh. Phát Đạt sẽ không bán tài sản, thay vào đó là tập trung phát triển dự án.

Nguyên nhân bởi Công ty hiện đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất (năm 2012- 2013) và thị trường đang có xu hướng ngày càng hồi phục, các dự án tiềm năng sẽ mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong tương lai gần.

Điều này cho thấy, PDR sẽ không bán dự án mà muốn tìm các đối tác chiến lược để cùng sát cánh. Liên quan đến vấn đề tìm nguồn tài chính, ông Nguyễn Văn Đạt tiết lộ vào đầu năm 2015 sẽ tăng vốn điều lệ công ty lên 2.000 tỷ đồng theo phương thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/CP để đầu tư vào những dự án mang lại hiệu quả cao trong các năm 2015, 2016, 2017; đồng thời tái cơ cấu tài chính của Công ty.

PDR trước đó cũng nhắm tới việc phát hành cổ phiếu cho các đối tác chiến lược. Hiện nay, công ty này đã và đang triển khai nhiều dự án  khu dân cư, căn hộ, resort, tại Tp.HCM, Cam Ranh, Quảng Ngãi, Phú Quốc.

• Từ năm 1988 đến nay, có 16.910 dự án FDI đăng ký và triển khai tại Việt Nam với tổng vốn tới 243 tỷ USD. Trong đó, bất động sản đứng thứ 2 với 50,1 tỷ USD và 430 dự án. Các nhà đầu tư Hàn Quốc là một trong những quốc gia rót vốn vào lĩnh vực bất động sản lớn nhất tại Việt Nam với gần 7 tỷ USD, với 2,3 tỷ USD trong lĩnh vực xây dựng. Thủ đô Hà Nội là khu vực được các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm, tiếp theo là Tp.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
• 10 tháng đầu năm 2014, FDI vào bất động sản đứng thứ 2 với hơn 27 dự án có tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt trên 1,2 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn FDI.

 

(Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu