Bất động sản (BĐS) tại Phú Quốc trở thành tâm điểm của nhà đầu tư, với giá nhà đất tăng chóng mặt trong năm 2015. Thế nhưng, gần đây thị trường đảo ngọc này ngày càng chậm lại, rớt giá, thanh khoản thấp...
Trước đó, nhiều nhà đầu tư địa ốc tìm đến Phú Quốc bởi nơi này có lợi thế địa hình đồi núi bao quanh là biển cả xanh mát. Hơn nữa, giao thông bằng đường hàng không từ Tp.HCM đến Phú Quốc chưa đến 1 giờ bay. Tuy nhiên, đất đai ở Phú Quốc bất chợt nóng lên sau thông tin đảo ngọc sẽ trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi sẽ được ban hành trong tương lai. Không ít nhà đầu tư là cá nhân, doanh nghiệp đã ồ ạt đến đây mua đất. Số liệu thống kê chưa chính thức cho biết, có tới 80% nhà đầu tư đến từ Hà Nội mua đất ở Phú Quốc, đất ven biển ở xã đảo Hòn Thơm có giá từ vài chục triệu đồng/ha trong năm 2015 đã tăng lên đến hàng trăm triệu đồng/ha. Mặt khác, hạ tầng của Phú Quốc cũng được đầu tư một cách bài bản, khách du lịch đến với 'thiên đường nghỉ dưỡng' này ngày càng nhiều. Do đó, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tên tuổi đã mạnh tay đầu tư vào BĐS Phú Quốc.
Ban Quản lý đầu tư và phát triển đảo Phú Quốc cho hay, tính đến hết năm 2015 đã có trên 220 dự án đăng ký với số vốn đạt 168.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các dự án resort, biệt thự, khách sạn phục vụ cho khách du lịch và nghỉ dưỡng. Điển hình là sự kiện khai trương giai đoạn 1 dự án Vinpearl Resort Phú Quốc vào cuối năm 2014 được xem là cột mốc đánh thức tiềm năng BĐS nghỉ dưỡng ở đảo ngọc. Vinpearl Resort Phú Quốc có tổng diện tích trên 300ha, gồm khu khách sạn, biệt thự 5 sao với 750 phòng và khu vui chơi giải trí hiện đại cùng sân golf 27 lỗ tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ là các cơ sở lưu trú, Vinpearl Resort Phú Quốc còn có các tiện ích khác như phòng hội nghị rộng 1.500m2, spa và bể bơi 5.000m2, hệ thống sân thể thao.
Vào tháng 9 năm ngoái, 'đại gia' BĐS ở khu vực Đà Nẵng Sun Group cũng nhập cuộc với dự án cáp treo và quần thể khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm. Vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án đã lên tới 4.900 tỷ đồng. Và vào giữa năm vừa qua, Tập đoàn LDG Group cũng ra mắt dự án khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World tại Bãi Dài với tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích 85 ha, gồm 4 khu nghỉ dưỡng với 447 căn biệt thự, trong khi khách sạn 5 sao có 496 phòng…
Không đứng ngoài cuộc, FLC cũng đang có kế hoạch đầu tư tại Phú Quốc với dự án quần thể sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng Bãi Vòng. Công trình có quy mô 577 ha với tổng mức đầu tư vào khoảng 28.000 tỷ đồng, tọa lạc ngay khu trung tâm và gần sân bay Phú Quốc. Hiện nay, CEO Group, BIM Group,… cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khách sạn quy mô lớn (từ 500 - 800 phòng) tại Phú Quốc.
Sau thông tin đảo ngọc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, bất động sản tại Phú Quốc
bất chợt nóng lên.
Tổng giám đốc CTCP Anh Thành Sài Gòn, ông Trần Bá Việt cho hay, Phú Quốc 'sốt' đất trong thời gian qua có lẽ do nhà đầu tư 'lướt sóng' đón đầu những chính sách có thể ban hành trong tương lai. Ông Việt cho rằng, tâm lý của nhiều nhà đầu tư BĐS Việt Nam khi nghe một chính sách nào đó liên quan đến ngành hoặc liên quan đến một vùng đất nào đó được phác thảo, tuy chỉ là ý tưởng hay đề xuất cũng lập tức tác động đến giá nhà đất khu vực đó. Vậy nên, BĐS Phú Quốc tăng chóng mặt khi có thông tin nơi đây sẽ trở thành đặc khu kinh tế (dù chưa biết bao giờ) cũng là điều dễ hiểu.
Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Long Điền, ông Nguyễn Khánh Hưng chia sẻ, đầu tư BĐS nghỉ dưỡng không thể 'đánh nhanh thắng nhanh' được, cần phải có chiến lược bền bỉ, lâu dài. Nhìn vào quy mô các dự án có thể thấy các doanh nghiệp đầu tư ra Phú Quốc có xu hướng phát triển những dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn và hiện đại. Tuy nhiên, điểm đặc sắc nhất của vùng đất này là thiên nhiên còn rất hoang sơ. Việc phát triển Phú Quốc theo hướng hiện tại có thể sẽ gặp phải áp lực cạnh tranh rất lớn từ các khu nghỉ dưỡng khác đã hoàn thiện trong khu vực Đông Nam Á.
Trưởng đại diện Tập đoàn Sun Group tại Tp.HCM, bà Nguyễn Lâm Nhi Thùy cho rằng, BĐS nghỉ dưỡng tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức, đặc biệt là đầu tư tại những nơi xa đất liền như Phú Quốc bởi chi phí đầu tư cao, thu hồi vốn lâu, các chính sách được xem là cơ hội cho Phú Quốc cũng chưa rõ ràng…
Thực tế cho thấy, thị trường BĐS Phú Quốc quá nóng đã xảy ra hiện tượng phá rừng nguyên sinh tràn lan để lấy đất bán. Đảo ngọc Phú Quốc có tiềm năng để trở thành một địa điểm lý tưởng thu hút khách nghỉ dưỡng. Thế nhưng, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng cần kiểm soát chặt chẽ quá trình quy hoạch để đảm bảo giữ gìn được vẻ đẹp thiên nhiên của hòn đảo, là điểm nổi bật nhất để Phú Quốc có thể cạnh tranh với các khu vực khác trong và ngoài nước. Nhiều người cũng lo ngại việc phát triển ồ ạt như hiện nay có thể sẽ biến hòn đảo ngọc này thành một khu đô thị ồn ào và môi trường bị ô nhiễm. Vậy nên, để Phú Quốc thực sự trở thành đảo ngọc, cần được kiểm soát chặt chẽ để phát triển không quá nóng cũng như không phá vỡ quy hoạch, lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có năng lực để giao đất.