Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, cần kiểm soát và khắc phục tình trạng phát triển dự án theo phong trào để tránh tình trạng bóng bóng nhà đất.
Tối ngày 21/7, trong chương trình "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” người đứng đầu ngành xây dựng đã giải đáp thắc mắc của người dân về vấn đề tiến độ chậm của các dự án nhà ở xã hội, bong bóng bất động sản,...
- Thưa Bộ trưởng, hiện nay giá bất động sản ở nhiều phân khúc đang tăng khá mạnh. Có một vài dự án mức giá thậm chí gần bằng đỉnh điểm năm 2011. Nhiều người cho rằng thị trường bất động sản đang nóng lên do đầu cơ chứ không phải do nhu cầu thực. Thưa Bộ tưởng, qian điểm của Bộ trưởng về ý kiến này như thế nào?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Nếu nói thị trường bất động sản phục hồi và có giao dịch nhiều do đầu cơ là không xác thực. Bởi vì chúng ta đều biết từ năm 2011-2013 là giai đoạn thị trường đóng băng, và lúc đó không có hoặc rất ít hiện tượng đầu cơ.
Thời điểm đó, đã phải thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động. Trong đó một quan điểm có tính chất như một chìa khoá mở cửa cho thị trường bất động sản phục hồi trở lại là gắn phá băng thị trường với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia.
Đồng thời thực hiện các giải pháp để cấu trúc lại thị trường, các sản phẩm và dự án bất động sản để đa dạng hoá sản phẩm hướng tới khách hàng, phù hợp với nhiều đối tượng có khả năng thanh toán khác nhau để chuyển từ khu vực dư thừa sang khu vực đang thiếu nguồn cung. Từ đó, thị trường đã phục hồi.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
- Với việc giá nhà tăng nhanh và hàng loạt ngân hàng mạnh tay đổ vốn vào thị trường bất động sản như hiện nay thì theo Bộ trưởng, liệu có hay không nguy cơ bong bóng bất động sản tái diễn như cách đây 4-5 năm?
Khi giao dịch tăng lên thì khả năng đầu cơ trở lại là điều dễ xảy ra. Điều cốt lõi là chúng ta kiểm soát không để thị trường phát triển nóng và tạo ra bong bóng bất động sản. Để làm được điều này thì cần cân đối cung cầu, tăng cường kiểm soát sự phát triển của các đô thị.
Cụ thể, tiếp tục cơ cấu các dự án, thị trường và cơ cấu lại các sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng; phải tăng cường kiểm soát các dự án bất động sản, không có khu vực thừa hoặc thiếu.
Vì thế, cần thực hiện nghiêm việc quản lý đầu tư phát triển đô thị theo Nghị định 11/2013, trong đó yêu cầu phải theo quy hoạch và có kế hoạch. Các địa phương tập trung xây dựng các khu đô thị, xây dựng kế hoạch phát triển để cân đối cung cầu, thành lập ban quản lý, các nguồn lực và dự báo khả năng phát triển nhà ở của từng khu vực. Như vậy, chúng ta sẽ kiểm soát và khắc phục tình trạng phát triển tự phát theo phong trào như trong thời qua, khiến cung cầu bị lệch pha và gây khó khăn cho thị trường bất động sản.
Hiện nay, tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội rất chậm. Bộ trưởng có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng trên là gì?
- Hiện tại, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn phát triển nhà ở xã hội đang được hoàn thiện. Dự kiến đến năm 2015 Luật Nhà ở mới sẽ đi vào cuộc sống, như vậy một điều dễ thấy đó là chính sách của chúng ta vẫn còn rất mới. Thế nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều địa phương, cũng như sự chỉ đạo của Chính phủ trong những năm vừa qua nên chúng ta đã phát triển được 40.000 nhà ở xã hội, gần 200.000 người dân có nhà ở.
Nhưng việc triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn còn chậm cũng do nhiều nguyên nhân, thứ nhất là chính sách mới hoàn thiện, nguyên nhân thứ hai đây là chiến lược phát triển dài hạn lâu dài chứ không phải trung hạn hay ngắn hạn, Mặc khác, phát triển nhà ở xã hội cần rất nhiều tiền, nhưng ngân sách Nhà nước không có để đầu tư mà cần phải xã hội hoá. Điều mâu thuẫn nữa là khi phát triển nhà ở xã hội ở đô thị thì yêu cầu phải là chất lượng nhà tốt nhưng giá thành rẻ để phù hợp với người có thu nhập thấp. Do vậy, đầu tư vào nhà ở xã hội không thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, khiến các nhà ở xã hội chậm triển khai và thực hiện.
- Vậy thưa Bộ trưởng, trước tình hình đó Bộ Xây dựng đang có những giải pháp như thế nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội?
Chúng ta phải đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở, tạo môi trường để hỗ trợ phát triển nhà xã hội. Tiếp đến là cần có sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương và đặc biệt là vai trò của các địa phương trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, lập chương trình làm việc và coi đây là nhiệm vụ chính trị của kế hoạch 5 năm, hằng năm.
Cùng với đó, các địa phương cần tập trung chuẩn bị quỹ đất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và các doanh nghiệp bất động sản được đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội mà khôn gặp khó khăn gì. Hơn nữa, tại các tỉnh thành cần tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, còn công nhân các khu công nghiệp được thuê để cải thiện chỗ ở mà pháp luật đã cho phép. Nếu có thể làm được như vậy thì tôi tin tưởng rằng là chắc chắn từng bước những người có nhu cầu sẽ được tiếp cận và cải thiện chỗ ở cho mình.