Các KCN của Hà Nội, Tp.HCM có giá thuê cao gấp đôi các tỉnh lân cận

  13/04/2016 - 09:34

Trong quý I/2016, khi các KCN tại Hải Phòng, Bắc Ninh vẫn giữ mức giá thuê ổn định thì tại Hà Nội giá thuê tiếp tục tăng thêm 12%. Tại Tp.HCM giá thuê không thay đổi và vẫn cao gấp 2 lần so với khu vực Đồng Nai, Bình Dương.

Theo báo cáo mới nhất từ Cushman & Wakefield, trong 3 tháng đầu năm nay, các KCN tại Hà Nội tiếp tục duy trì tình hình hoạt động khả quan với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 72%, so với cùng kỳ năm ngoái, mức độ lấp đầy tăng thêm 2%. Có 7 trên tổng số 11 KCN (54% tổng nguồn cung) được lấp đầy hoàn toàn. Tính đến cuối quý I, trong số các KCN còn diện tích trống, khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn ghi nhận tỷ lệ trống cao nhất (70%) với 346 ha đất sẵn sàng cho thuê.

Tại Hà Nội, giá thuê trung bình của các KCN tiếp tục ở mức cao nhất so với tất cả các tỉnh/thành phố khác ở phía Bắc Việt Nam. Cụ thể, mặt bằng giá thuê cao hơn khoảng 50% so với Bắc Ninh và Hải Phòng, ghi nhận ở mức 2,475,000 VNĐ/m2/thời hạn thuê (111 USD/m2/ thời hạn thuê), giảm nhẹ 1% theo quý nhưng vẫn cao hơn 12% so với năm trước. Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Từ Liêm) ghi nhận mức giá thuê cao nhất với gần 4,200,000 VNĐ/m2/thời hạn thuê (187 USD/m2/thời hạn thuê). Hai khu vực có giá thuê thấp nhất với khoảng 1,600,000 VND/m2/thời hạn thuê thuộc về Quốc Oai và Thạch Thất. Đây cũng là khu vực ghi nhận tỷ lệ trống cao nhất thị trường với hơn 55% diện tích chưa tìm được khách thuê. 

BĐS khu công nghiệp
Dự báo BĐS khu công nghiệp sẽ là kênh đầu tư đầy hứa hẹn.
 (Nguồn ảnh: Phương Uyên).

Trong khi đó, tại thị trường Tp.HCM cũng không ghi nhận thêm nguồn cung mới nào đi vào hoạt động trong quý vừa qua. TP hiện có 18 KCN đang hoạt động với tổng diện tích trên 3.630 ha, diện tích có thể cho thuê chiếm khoảng 62% tổng diện tích đất với thời hạn sử dụng đất trung bình còn lại khoảng 35 năm. 

Tại các KCN của Tp.HCM, hoạt động cho thuê tiếp tục ổn định với tỷ lệ lấp đầy trung bình chỉ tăng 1% so với quý trước và năm 2015, đạt 72%. Đa số các KCN ở Tp.HCM có tỷ lệ lấp đầy hơn 90% nên rất ít phát sinh biến động về giá. Trong quý I, giá chào thuê trung bình đạt 2.808.000VNĐ/m2/thời hạn thuê (126 USD/m2/thời hạn thuê), mức giá đã ổn định so với quý trước và năm ngoái. Song, mức giá thuê này hiện cao hơn gấp 2 lần so với các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương. Các chủ đầu tư hiện có xu hướng chuyển từ cho thuê dài hạn đất công nghiệp sang xây dựng nhà xưởng cho thuê với diện tích khoảng từ 2.000-3.000m2, với giá chào thuê khoảng 2,5-3,5 USD/m2/tháng. Khu vực quận 7 ghi nhận mức giá chào thuê cao nhất toàn thị trường với giá từ 5,797,000 VND/m2/thời hạn thuê. Huyện Củ Chi tiếp tục là huyện có tỷ lệ trống cao nhất và giá thuê thấp nhất thị trường với hơn 50% diện tích trống và giá thuê chỉ khoảng 1,520,000 VND/m2/thời hạn thuê. 

Theo dự báo của C&W, về nguồn cung tương lai, từ nay cho đến năm 2020, thị trường KCN sẽ không có nhiều biến động. Tới năm 2020, Hà Nội mới có thêm khoảng 6.000 ha từ 14 KCN gia nhập thị trường, qua đó nâng tổng nguồn cung tương lai lên con số bằng 400% nguồn cung hiện tại. Còn tới năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, khu vực Hà Nội sẽ có khoảng 33 KCN với diện tích 8.000 ha. Mặt khác, chi phí nhân công tại Trung Quốc hiện đang tăng nên đầu tư nước ngoài vào KCN sẽ tiếp tục tăng lên trong trung và dài hạn từ việc di dời các nhà máy sản xuất sang Việt Nam cụ thể là khi Việt Nam chính thức gia nhập các Hiệp định tự do thương mại, TPP. Nguồn cung tương lai đến từ các huyện Sóc Sơn, Thường Tín, Đông Anh.

Với Tp.HCM, tới năm 2020 tổng nguồn cung ước tính sẽ tăng lên khoảng 3.000 ha, so với nguồn cung hiện tại tăng 85%. Về số lượng, 18 KCN hiện tại được mở rộng và khoảng 12 KCN mới sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020. Nhưng phần lớn các dự án tương lai đang trong quá trình GPMB, đền bù và quá trình xây dựng dự kiến bị kéo dài. Có 3 dự án trong số này đang trong giai đoạn xây dựng. Theo báo cáo, nguồn cung tương lai của Tp.HCM chủ yếu tấp trung ở các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh.

Việc tham gia Hiệp định TPP và các Hiệp định tự do thương mại gần đây cùng với tình hình kinh tế ổn định, những chính sách hỗ trợ từ nhà nước và chi phí lao động thấp sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nước ngoài theo xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận hưởng những ưu đãi về thuế. Do đó, nhu cầu đối với đất công nghiệp đang tăng lên, phân khúc này trở thành một kênh đầu tư đầy hứa hẹn.

(Theo Tuổi trẻ online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu