Vừa qua, CBRE Việt Nam đã đưa ra danh sách các thương vụ đầu tư ấn tượng của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) Việt Nam trong năm 2015.
Nhà đầu tư ngoại được tham gia HĐQT
Giám đốc Khối Đầu tư thuộc Savills Việt Nam, ông Sử Ngọc Khương khẳng định, năm 2015 là năm chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực BĐS nhiều nhất từ trước tới nay. Có những thương vụ lớn hàng tỷ USD chứng tỏ các nhà đầu tư ngoại đang có xu hướng mua lại các dự án có quỹ đất lớn để phát triển hoặc hợp tác với chủ đất phát triển thành chuỗi trung tâm thương mại, khu dân cư hiện đại,…
Một số nhà đầu tư nước ngoài khác lại thích tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần hay thông qua hình thức mua trái hiếu chuyển đổi của các doanh nghiệp địa ốc có uy tín trên thị trường Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư ngoại sẽ hợp tác trong từng dự án cụ thể và hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa bằng kinh nghiệm phát triển, quản lý cùng nguồn tài chính vững mạnh.
Điển hình là, quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group bắt tay với Công ty địa ốc An Gia theo phương thức nói trên. Quỹ đầu tư này đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với An Gia (An Gia Investment) vào cuối tháng 7/2015. Creed Group sẽ rót 200 triệu USD vào An Gia Investment bằng việc mua lại 20% cổ phần của công ty và tham gia vào HĐQT, đầu tư vào các dự án triển khai trong thời gian tới theo tỷ lệ 50/50, quỹ này cũng cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi.
Hai bên tiếp tục hợp tác theo kiểu ăn chia 50/50 cùng phát triển dự án The Everich 2 (quận 7) trong năm vừa qua, cung ứng cho thị trường trên 3.000 căn hộ. Creed Group tiếp tục đổ vốn vào An Gia để phát triển một dự án khu đô thị hiện đại trong năm 2017.
Cùng thời gian trên, CTCP Đầu tư Nam Long đã hoàn thành việc phát hành riêng lẻ trên 7 triệu cổ phiếu cho Ibeworth Pte. Ltd (Ibeworth), doanh nghiệp thuộc quyền kiểm soát 100% của Keppel Land Limited (Keppel Land) với giá trị giao dịch là trên 140 tỷ đồng.
Dự án resort casino Nam Hội An được triển khai với một tổ hợp nghỉ dưỡng có casino với vốn đầu tư 4 tỷ USD tại Quảng Nam là một trong những thương vụ M&A nổi bật trong năm 2015. Từ năm 2007, dự án được VinaCapital và VinaLand mua lại với kế hoạch hợp tác cùng tập đoàn Genting Berhad (Malaysia) để phát triển một tiểu đô thị phức hợp. Tháng 12/2010, dự án này chính thức được cấp chứng nhận đầu tư với liên danh VinaGenting gồm các nhà đầu tư VinaCapital và Genting Berhad.
Nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập BĐS được chốt nhanh gọn trong năm 2015.
Thế nhưng, đến tháng 9/2012, phía Genting đã bất ngờ rút khỏi dự án. Đầu tháng 9/2015, dự án Nam Hội An được cấu trúc đầu tư lại, theo đó VinaLand Limited đã không còn là cổ đông lớn nhất của công ty quản lý dự án và thay vào đó là tập đoàn Chow Tai Fook (Hong Kong).
Vai trò nổi trội của nhà đầu tư nội
Một thương vụ đình đám không kém là Quỹ đầu tư Gaw Capital Partner có trụ sở tại HongKong đã chi 106 triệu USD mua 4 dự án của Indochina Land gồm Hyatt Regency Danang, Indochina Plaza Hanoi và 2 dự án đang phát triển khác tại Tp.HCM và Quảng Nam. Hoặc như Gamuda Land đã mua dự án Celadon City từ nhà đầu tư Sacomreal tại Tp.HCM với giá trị chuyển nhượng 64 triệu USD.
Trong làn sóng M&A của doanh nghiệp nội nổi bật nhất phải kể đến Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền mua vào 32 triệu cổ phiếu BCI trị giá 768 tỷ đồng, nâng số lượng cổ phiếu sở hữu lên 49,7 triệu cổ phiếu (57,31% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh). BCCI hiện đã trở thành công ty con của Khang Điền với tỷ lệ sở hữu này.
Cuối tháng 6/2015 quỹ đầu tư Warburg Pincus đã hoàn thành khoản đầu tư tiếp theo trị giá 100 triệu USD, qua đó nâng tổng giá trị đầu tư vào CTCP Vincom Retail lên đến 300 triệu USD, CBRE cho biết. Warburg Pincus đã đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail vào tháng 5/2013.
Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Warburg Pincus quyết định khoản đầu tư tiếp theo trị giá 100 triệu USD vào Công ty Cổ phần Vincom Retail (Tập đoàn Vin Group) phát triển hệ thống trung tâm thương mại Vincom, ngay sau đó Vin Group cũng hoàn tất việc thu mua dự án StarCity Center từ tay đối tác Ocean Group.
Gần đây nhất, CBRE dẫn nguồn báo chí Hàn Quốc đưa tin AON Holdings tham gia thương vụ mua tòa tháp Keangnam 72 tại Việt Nam. Theo đó, AON Holdings được cho là đã trả khoảng 450 tỷ won để mua lại khoản nợ này. Tập đoàn này sẽ nắm quyền kiểm soát tòa nhà cao nhất Việt Nam sau khi tiếp quản và xử lý các khoản nợ.