Thời gian qua, tín dụng cho kinh doanh bất động sản (BĐS) liên tục tăng trưởng nhưng xét về tỷ trọng thì tăng không nhiều. Đáng chú ý là, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thực về nhà ở của người dân.
Tín dụng cho vay BĐS: Tỷ trọng không lớn
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian qua, dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh địa ốc liên tục có sự tăng trưởng (năm 2012 là 14%, 2013 là 14,7% và 2014 là 15,2%). Song, xét về tỷ trọng thì tăng không nhiều.
Trong 9 tháng năm 2015, tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS đạt 14,59%, con số này cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung 9 tháng năm nay. Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 8,05% tổng dư nợ tín dụng, mức tăng này không đánh kể so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng năm 2014 tăng trưởng 11,85%, chiếm tỷ trọng 7,86%). Trong đó, dư nợ cho BĐS tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, mua nhà, sửa chữa, xây dựng đô thị (hơn 60%).
Tính đến ngày 20/9, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 59.395 tỷ đồng, đã giảm 53,8% so với quý I/2013, báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay.
Thời gian qua, tín dụng cho vay BĐS liên tục tăng trưởng nhưng tỷ trọng
không nhiều. (Ảnh minh họa).
Tuy tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của ngành song dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thực về nhà ở của người dân và chỉ chiếm 8,05% trong tổng dư nợ toàn hệ thống.
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, mức tăng trên không đáng lo ngại. Thị trường địa ốc ấm lên với nhiều khởi sắc tích cực, việc xử lý tài sản đảm bảo bằng BĐS của các tổ chức tín dụng cũng thuận lợi hơn. Mặt khác, nhiều dự án xây dựng dở dang được khởi động lại và tiêu thụ tốt giúp doanh nghiệp địa ốc có nguồn thu trả nợ ngân hàng.
Tính đến 30/9/2015, nợ xấu cho vay đầu tư kinh doanh BĐS đã giảm từ 6% (thời điểm 31/12/2014) xuống còn 4,56%.
Tháo gỡ khó khăn cho BĐS
Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS trong thời gian qua, điển hình là Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, góp phần điều chỉnh cơ cấu của thị trường BĐS phù hợp với nhu cầu thực tế, giảm tồn kho vật liệu xây dựng, hàng hóa BĐS và giảm nợ xấu. Điều đáng nói là, đến nay đã giúp cho hơn 31 nghìn người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có điều kiện cải thiện về nhà ở.
Thứ nữa, NHNN đã triển khai nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc và tạo điều kiện cho người dân có thu nhập trung bình, thấp được cải thiện về nhà ở.
Chẳng hạn như, Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng; Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và Thông tư 36/2014/TT-NHNN về những giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã giảm hệ số rủi ro đối với BĐS từ 250% xuống còn 150%; ngoài ra còn có Thông tư 07/2015/TT-NHNN về bảo lãnh trong cho thuê mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn, bền vững, giảm thiểu rủi ro trong việc cho vay BĐS, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh địa ốc.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng hạn chế cho vay đối với các dự án BĐS có quy mô lớn, dự án BĐS mới khởi công, dự án BĐS cao cấp và cao ốc văn phòng tiềm ẩn rủi ro, hiệu quả thấp hoặc có mục đích đầu cơ nhà đất; ưu tiên nguồn vốn đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, ưu tiên đầu tư các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, các dự án BĐS dở dang có khả năng tiêu thụ tốt.
Ngân hàng Nhà nước luôn giám sát theo dõi chặt chẽ tình hình tín dụng vào lĩnh vực BĐS để đảm bảo kiểm soát được tăng trưởng tín dụng địa ốc.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, định hướng cho vay của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực BĐS là tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao, các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực của người dân; đồng thời không thực hiện cấp tín dụng đối với các nhu cầu vay vốn để đầu cơ hoặc triển khai thực hiện các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.
Cùng đó, ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án dở dang nhưng có khả năng hoàn thiện và có khả năng tiêu thụ tốt nhằm hoàn thành dự án có nguồn thu trả nợ ngân hàng và giảm nợ xấu.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội , nhất là chương trình cho vay hỗ trợ nhà nhằm đảm bảo an toàn hiệu quả, qua đó góp phần cải thiện nhà ở cho người dân.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp hiệu quả với Bộ Xây dựng và các Bộ, ban ngành có liên quan trong việc xây dựng triển khai các quy định của Luật nhà ở, Nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội; xây dựng, quản lý và sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường BĐS... với mục đích phát triển thị trường BĐS lành mạnh, bền vững đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình cho vay đối với lĩnh vực BĐS và có những giải pháp kịp thời để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong việc cho vay BĐS, NHNN khẳng định.