Chủ đầu tư thích bán hàng cho người có nhu cầu thực

  13/10/2014 - 09:33

Hiện nay, các chủ đầu tư đa phần thích bán nhà trực tiếp cho người cần mua nhà để ở thay vì bán cho các nhà đầu tư vì khi bán cho đối tượng có nhu cầu thực, khả năng thu được tiền sẽ chắc chắn hơn.

Khi thị trường bất động sản sôi động, người người, nhà nhà đổ xô đầu tư nhà đất. Giới đầu cơ đua nhau góp vốn mua nhà đất, thổi giá bất động sản để kiếm lời. Tuy nhiên, sau khi thị trường lắng dịu lại, nhiều dự án bất động sản rơi vào cảnh "đắp chiếu" để đó. Giờ là lúc các chủ đầu tư phải đau đầu giải quyết hậu quả này.

Chủ đầu tư một dự án khu đô thị tại Hà Đông cho biết, vào năm 2011, dự án này bung khoảng 550 căn biệt thự, liền kề ra thị trường. Lượng hàng này bán hết chỉ trong vòng 2 tháng. Vui mừng vì bán được hàng, chủ đầu tư lại có thêm tiền để triển khai dự án đúng tiến độ. Một cơ số môi giới và giới đầu cơ cũng trúng lớn nhờ mua đi bán lại các căn hộ thuộc dự án.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản sau khi đặt đỉnh, giá nhà đất sụt giảm mạnh. Các nhà đầu tư trót ôm nhiều hàng, giờ không có tiền nộp tiếp theo tiến độ khiến cho chủ đầu tư gặp khó.

Tổng giám độc dự án khu đô thị này cho biết: "Sau khi bán hết hàng, chúng tôi chỉ lo xây dựng và hoàn thiện dự án. Việc giới đầu tư mua đi bán lại chúng tôi không quan tâm. Tuy nhiên, hệ lụy của việc giới đầu cơ ôm hàng đó là khi thị trường ảm đạm, họ không bán được hàng nên cũng không nộp được tiền cho công ty đúng hạn. Điều nay ảnh hưởng rất lớn đến việc cân đối tài chính của công ty. Trong khi những người mua nhà để ở thì họ nộp tiền rất đầy đủ, đúng hạn thì đa số các nhà đầu tư đều nộp chậm hoặc dừng nộp tiền với lý do không đủ tài chính".

Các chủ đầu tư đếu muốn bán nhà, đất cho người có nhu cầu thực
Các chủ đầu tư đếu muốn bán nhà, đất cho người có nhu cầu thực

Hiện nay, dự án khu đô thị này đã hoàn thành xong, đang tiến hành cấp sổ hồng cho người mua. Tuy nhiên, chỉ có 150 căn hộ là có người đến nhận bàn giao, nhận sổ đỏ. Số còn lại thì không có người đến nhận. Theo thông tin chủ đầu tư cung cấp, quá nửa số căn hộ có chủ sở hữu là giới đầu cơ, họ không có nhu cầu nhận nhà để làm sổ đỏ vì nếu nhận rồi, sau này bán cho khách lại phải chuyển một lần nữa thì họ sẽ bị mất thêm phí.

Câu chuyện trên cũng xảy ra tại 1 chung cư cao cấp tại khu vực Mỹ Đình. Khi thị trường rơi vào khó khăn, chủ đầu tư đã quyết định bán 600 căn hộ theo hình thức bán thô để tăng khả năng thanh khoản cho dự án. Theo đó, khách hàng sẽ được nhận nhà thô và tự hoàn thiện các công việc còn lại như lát sàn, chát tường, lắp vệ sinh, bếp….Giá bán nhà thô cũng được chủ đầu tư giảm xuống mức 4-6 triệu đồng/m2 so với giá nhà hoàn thiện, còn 26-28 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, khi chủ đầu tư bàn giao nhà cho người mua thì có hàng chục khách hàng đã đồng loạt phản đối chủ đầu tư, lý do đưa ra là chủ đầu tư chưa hoàn thiện các hạng mục đã giao nhà; phản đối việc chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu hoặc các hộ gia đình tham gia hoàn thiện nhà cho khách hàng phải nộp tiền bảo lãnh ngân hàng mới được sửa chữa…

Đại diện chủ đầu tư dự án này cho hay, để đảm bảo ngày khánh thành dự án nên đơn vị này đã tiến hành bàn giao căn hộ thô trước 3 tháng để khách hàng kịp hoàn thiện. Do số lượng căn hộ của dự án khá lớn, chủ đầu tư buộc phải có quy định chặt chẽ để tránh những rui ro, tranh chấp có thể phát sinh. Về việc phải nộp tiền bảo lãnh ngân hàng mới được sửa, chủ đầu tư dự án cho rằng, đây là một quy định để các nhà thầu và khách hàng tham gia hoàn thiện phải nâng cao ý thức, số tiền này cũng chỉ được dùng cho mục đích khắc phục, sửa chữa, bồi thường hoặc thay thế thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình hoàn thiện căn hộ.

Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, toàn dự án chỉ có 40 khách hàng đứng ra phản đối. Nguyên nhân cũng có thể là do các nhà đầu cơ không có nhu cầu ở, họ không muốn nhận nhà. Nếu nhận nhà vào lúc này thì họ phải nộp tiếp hơn 30% giá trị hợp đồng. Có thể do chưa có đủ tiền nên các nhà đầu cơ viện ra lý do này để không nhận nhà.

Nhiều chuyên gia và nhà phân tích đều cho rằng, thời gian qua, giới đầu cơ đã lũng đoạn, bóp méo thị trường bất động sản. Tại nhiều dự án, giao dịch mua bán đã không còn nằm trong sự kiểm soát của chủ đầu tư. Trên thực tế cho thấy, đã từng có dự án "chết chìm" do giới đầu cơ bán tháo và cũng có không ít dự án trở nên sốt nóng vì bị giới đầu cơ làm giá. Để không lặp lại tình trạng này, các cơ quan quản lý đã đưa ra giải pháp đánh thuế lũy tiến từ căn nhà thứ 2, hạn chế cho vay đối với bất động sản,...

Sau một thời gian dài khó khăn, thị trường bất động sản đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ việc nhà nước hạn chế sự tham gia của giới đầu cơ và giá nhà cũng đã giảm xuống mức phù hợp hơn với thu nhập của người dân.

(Theo VnMedia)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu