Chưa thể có sóng trên thị trường địa ốc

  08/12/2014 - 10:40

Thông tin về việc Chính phủ cho phép người nước ngoài mua nhà tại VN được nhiều người kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thị trường địa ốc trong thời gian tới. Nhưng trên thực tế, để bất động sản thực sự sôi động cần có thời gian và các chính sách khác hỗ trợ khác.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại VN được xem là cú hích đắc lực, mở rộng thêm nguồn cầu, tác động tích cực đến thị trường địa ốc.

Ngoài ra, Chính phủ còn quyết tâm thực hiện được chính sách cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách môi trường kinh doanh tại VN nói chung như đã công bố thì sẽ đưa kinh tế phát triển mạnh hơn trong năm 2015. Từ đó, thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư mới từ bên ngoài vào VN nói chung và BĐS nói riêng.

Thị trường đã có những dấu hiệu khởi sắc

Nếu so với hai năm 2012 - 2013 thì thực tế trên thị trường hiện nay đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn trước. Chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận xét: “Khi khách hàng có niềm tin giá nhà sẽ không thể giảm nữa thì nhiều người đã bắt đầu mua nhà đất trở lại. Với BĐS ở những vị trí tốt hơn thì luôn có được lượng giao dịch nhiều hơn”.

Thị trường nhà ở VN được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng trở lại nhờ những chính sách mới - Ảnh: D.Đ.M

Báo cáo tình hình kinh tế 11 tháng đầu năm nay của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu khởi sắc với triển vọng tích cực từ các dòng vốn tín dụng, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kiều hối, đầu tư của hộ gia đình. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2014 dư nợ tín dụng BĐS đã tăng 10,8% so với đầu năm, con số này cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng (khoảng 7%) và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS bình quân giai đoạn 2011 - 2013 với mức 7,2%/năm. Ngoài ra, nếu tính đến cuối tháng 9 thì nguồn vốn FDI vào BĐS đã tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 1,224 tỉ USD.

Điều quan trọng nhất đối với bất kỳ nhà đầu tư nào là khi lựa chọn BĐS cần ưu tiên đánh giá về vị trí của nó hơn là yếu tố giá cả. Vì những BĐS ở vị trí tốt luôn có nhiều cơ hội sinh lời hơn khi thanh khoản gia tăng

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Lựa vị trí vàng để đầu tư

Tuy đã có những đánh giá tích cực về thị trường BĐS hiện nay, nhưng ý kiến của ông Đinh Thế Hiển vẫn thận trọng, ông cho rằng năm 2015, thị trường địa ốc vẫn chưa thể quay trở lại nhịp độ sôi động mạnh như thời điểm vàng của thị trường cách đây 7, 8 năm.

Theo ông, nếu muốn thu hút thêm dòng vốn của khối ngoại để kích cầu thì cần phải có thời gian. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam phải đạt được những kết quả tích cực trong việc cải cách môi trường kinh doanh, từ đó mới tạo ra được những ưu thế mới trong mắt các nhà đầu tư ngoại và thu hút đầu tư vào lĩnh vực địa ốc.

Nếu những cải cách trên được làm tốt thì thị trường BĐS từ năm 2016 mới có hi vọng có được những diễn biến tích cực rõ rệt hơn. Lúc đó, cơ hội đầu tư sinh lời sẽ nhiều hơn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là với nhà đầu tư là cá nhân.

Ông Hiển cũng khuyến cáo: "Trong lĩnh vực BĐS, điều quan trọng nhất là khi lựa chọn được BĐS có vị trí tốt hơn là lựa chọn yếu tố giá cả. Vì những BĐS ở vị trí tốt luôn có nhiều cơ hội sinh lời hơn khi thanh khoản gia tăng”.

Cũng cùng quan điểm trên, giám đốc của một quỹ đầu tư tại Tp.HCM cho rằng, việc cho người nước ngoài được mua nhà ở VN sẽ mang lại hiệu ứng tích cực trên thị trường. Nhưng trước mắt thì hiệu ứng đó sẽ rất giới hạn và chưa phát huy được hiệu quả. Theo vị giám đốc này: “Nhà đầu tư nước ngoài thường có một tầm nhìn dài hạn và mối quan tâm lớn nhất của họ vẫn là lợi nhuận trong tương quan so sánh với mức độ rủi ro. Thế nên thị trường BĐS phải có một giá hấp dẫn trong một môi trường pháp lý minh bạch và không gian sinh hoạt tốt lành nếu muốn thu hút dòng tiền đầu tư mới”.

Vị giám đốc này cũng có những so sánh với các nước láng giềng như Thái Lan, Philippines… thậm chí là Campuchia, Myanmar về triển vọng kiếm lời trong tương lai khi giá của BĐS gia tăng. Theo ông, hiện BĐS VN không đủ yếu tố để cạnh tranh với các nước này. Các công ty BĐS từ Nhật, Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông có ý định đầu tư nghiêm túc đều có khuynh hướng đợi tình hình kinh tế biến đổi thuận lợi hơn, nhất là khi thu nhập của người dân gia tăng đáng kể, lúc đó họ mới muốn đầu tư lớn.

Vị giám đốc này dẫn chứng thêm: "Chẳng hạn như việc thị trường BĐS của Mỹ hồi phục gần đây hoàn toàn nhờ sự cải thiện của môi trường kinh tế vĩ mô, như thất nghiệp giảm, thu nhập tăng, lạm phát thấp, doanh nghiệp tạo được những mức lời kỷ lục và thanh khoản của thị trường tài chính cao…”.

(Theo Thanh niên)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu