Cơ hội mua nhà của người Việt ngày càng bị thu hẹp

  29/08/2019 - 09:35

Sự gia tăng đột biến của giá đất qua các sơn sốt ở giai đoạn 2016-2018 đã khiến người Việt ngày càng khó có cơ hội tiếp cận với nhà ở.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, ông đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh về sự gia tăng giá bất động sản giai đoạn sốt đất 2016-2018 và 10 năm trở lại đây.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cơn sốt đất diễn ra liên tục trong vòng 3 năm (2016-2018) trên phạm vi cả nước đã khiến dòng tiền người dân tích lũy không bắt kịp các đợt tăng giá đất, dẫn đến cơ hội sở hữu bất động sản ngày càng bị thu hẹp. Giá đất trong giai đoạn 2016-2018 tăng liên tục, thấp nhất là 1,5-2 lần, cao nhất là 3-4 lần. Với đà tăng nhanh, mạnh này nếu chỉ trông chờ vào thu nhập thì người Việt sẽ khó chạm được đến giấc mơ mua nhà.

 mua nhà đất
Giá đất tăng cao khiến giấc mơ mua nhà của người Việt ngày càng xa vời. Ảnh: Hữu Khoa

Theo đánh giá của ông Nghĩa, lượng người Việt mua được bất động sản trong 3 năm này chủ yếu thuộc hình thức chuyển đổi nguồn tài chính từ sản xuất, kinh doanh... sang địa ốc. Cũng có những trường hợp cá biệt như giới đầu cơ có thể dễ dàng sở hữu, hoán đổi nhà đất tại thời điểm sốt đất nhờ dòng tiền tích lũy nhanh đột biến.

Cũng theo khảo sát, giá đất đã tăng từ 4-10 lần trong vòng một thập niên qua (2009-2019). Giai đoạn này cũng là chu kỳ đặc biệt của thị trường với sự biến thiên mạnh mẽ của những cơn nóng sốt, nguội lạnh diễn ra liên tục. Đây là một trong những biểu hiện phát triển thiếu bền vững của thị trường và tiềm ẩn nguy cơ bong bóng cao. Tuy vậy, thị trường vẫn thiết lập mặt bằng giá mới và được chấp nhận.

Chuyên gia phân tích thêm, bong bóng giá bất động sản có mối liên hệ đặc biệt đến đà giảm tốc của thị trường năm nay. Nó được xem là phép thử cho sức bền của thị trường. Trường hợp bong bóng giá nhà đất ở mức quá lớn, phình to sẽ rất dễ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Trước hết là sự thu hẹp cơ hội sở hữu nhà đất của người dân, khiến xã hội trở nên căng thẳng. Tiếp đến là kìm hãm sự phát triển của các ngành sản xuất liên quan. Thứ nữa là làm leo thang chi phí mặt bằng, gây ảnh hưởng đến giá hàng hóa, dịch vụ gây nên sự mất cân bằng trong phát triển kinh tế.

(Theo vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu