Cổ phiếu BĐS được kỳ vọng "ấm" cùng địa ốc

  20/03/2015 - 11:35

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng cổ phiếu bất động sản (BĐS) sẽ bùng nổ nhờ sự phục hồi và "ấm" lên của thị trường địa ốc.

Nhiều báo cáo nhận định về thị trường BĐS đang tỏ ra khá lạc quan. Ví dụ, Công ty Tư vấn Đầu tư Nam Phát đánh giá, cuối năm 2014 và đầu năm 2015, thị trường địa ốc xuất hiện nhiều điểm tương đồng với năm 2007 - giai đoạn hưng thịnh của BĐS Việt Nam.

Đơn vị này cho biết, hai giai đoạn năm 2015 và năm 2007 có cùng điểm chung là lãi suất huy động thấp và lãi suất cho vay cao nhưng không vượt quá 10% trong năm thứ nhất. Trong hai mốc thời gian này, tăng trưởng tín dụng đều tốt. Bên cạnh đó, cả hai giai đoạn này đều đăng trưng về khả năng thu hút vốn nước ngoài (FDI).

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 11/2006. Nhờ đó, năm 2007, chúng ta thu hút được một lượng lớn vốn FDI vào nhiều ngành nghề, nổi bật nhất là BĐS. Đến tháng 7/2015, chính sách cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam được mở rộng và chính sách đầu tư cho khối ngoại được nới lỏng.

Tuy nhiên, nhận định trên dường như có phần lạc quan quá mức về viễn cảnh của thị trường BĐS. Bởi vì, so với hồi năm 2007, năm 2015 vẫn còn khá nhiều yếu tố chưa thuận lợi cho BĐS, đặc biệt là nguồn tiền.

cố phiếu bất động sản
Cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc có nhiều thuận lợi nhờ tín hiệu tốt lên của thị trường BĐS. Ảnh minh họa

Cách đây 8 năm, một trong những nguồn tiền dồi dào đổ vào thị trường BĐS làm tăng nhiệt chính là chứng khoán. Vào giữa năm 2006, chỉ số VN-Index trên thị trường chứng khoán chỉ khoảng 400 điểm thì đến giữa năm 2007, tăng lên mốc kỷ lục trên 1.100 điểm. Không lâu sau đó, một nguồn tiền không nhỏ mà các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận từ thị trường chứng khoán được chuyển sang BĐS.

Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại, BĐS không có lợi thế này bởi chứng khoán chỉ tăng giảm “lình xình” trong giai đoạn vừa qua, chưa mang đến lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư để có thể tạo ra sức mạnh, làm khuynh đảo thị trường BĐS như từng diễn ra ở giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, năm 2007 chính là thời kỳ khá thịnh vượng của cả nền kinh tế. Cụ thể, năm 2017, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,5% so với năm 2006 và  thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng cao, một bộ phận dân cư có tích lũy đã tìm tới BĐS như một kênh đầu tư và tích lũy tài sản. Ngược lại, năm 2015, kinh tế tuy đã bớt khó khăn hơn so với giai đoạn 2013-2014 nhưng mới chỉ hồi phục chậm.

Những tín hiệu tốt lên của thị trường BĐS đang tạo ra những yếu tố thuận lợi hơn cho nhóm cổ phiếu BĐS là điều không thể phủ nhận. Hiện nay, có 63 doanh nghiệp BĐS đang được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo Bộ phận Nghiên cứu và Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - SSI Research, ngành BĐS được nâng từ trung tính trong năm 2014 lên mức khả quan vào năm 2015.

Một số gương mặt sáng giá trong số các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này đang được giới đầu tư quan tâm là VIC của Tập đoàn Vingroup, DXG của Địa ốc Đất Xanh, KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc... Từ đầu năm tới nay, các cổ phiếu này đều đang có tín hiệu nhúc nhích tăng. Cụ thể, VIC tăng từ 47.600 đồng/cổ phiếu lên gần 50.000 đồng/cổ phiếu, DXG đã tăng từ mốc 13.000 đồng/cổ phiếu lên tới trên 17.000 đồng/cổ phiếu, KBC từ mặt bằng khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu lên 16.800 đồng/cổ phiếu.

(Theo Báo Đầu tư Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu