Cuộc đua mở rộng thị phần của các đại gia địa ốc Sài Gòn

  02/12/2016 - 07:36

Nhằm đa dạng rổ hàng hóa, các ông lớn bất động sản tại Tp.HCM đang ồ ạt mở rộng phạm vi hoạt động bằng nhiều dự án tại khu vực mới, "chen chân" vào thị phần nhà ở giá mềm hơn.

Trong những tháng cuối năm 2016, Phú Mỹ Hưng bất ngờ tung ra thị trường dòng sản phẩm mới nằm ngoài đô thị hiện hữu là Saigon South Residences. Được biết, đây là dự án đầu tiên của doanh nghiệp không thuộc địa phận khu đô thị cũ đã tồn tại hơn 20 năm qua. Điều đáng nói là, sản phẩm ở khu mới có mức giá "mềm" nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp, khoảng 2 tỷ đồng/căn.

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng cho biết, quỹ đất trong khu đô thị cũ không còn nhiều, doanh nghiệp mong muốn vươn ra địa bàn mới bằng những sản phẩm cùng tiêu chuẩn, mức giá phải chăng hơn. Mục tiêu của Phú Mỹ Hưng là tiếp cận đông đảo khách hàng, nhất là những gia đình trẻ.

Tại khu Nam Tp.HCM, dòng sản phẩm có giá cạnh tranh của đại gia địa ốc này đã tạo cơn sốt nhỏ với thanh khoản đột biến. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo với phần còn lại của thị trường về nguy cơ bị chia sẻ thị phần căn hộ 2 tỷ đồng tại khu Nam TP.

Tương tự, một ông lớn khác cũng đang bứt phá theo chiến lược "vết dầu loang" tại địa bàn khu Đông Sài Gòn là Keppel Land. Như vậy, sau một thời gian phát triển 2 giai đoạn căn hộ cao cấp Estela trên trục Xa lộ Hà Nội, đại gia đến từ Singapore đã dịch chuyển sang khu vực dọc bờ sông Giồng Ông Tố và Mương Kinh, cách dự án cũ khoảng 1km để phát triển khu đô thị Palm City.

doanh nghiệp mở rộng thị phần mới
Thông qua việc mở rộng địa bàn, đa dạng sản phẩm, các doanh nghiệp địa ốc đang
nỗ lực chiếm thị phần mới.

Công trình mới được định vị là thành phố ven sông, quy mô hơn 30 ha được phát triển thành nhiều giai đoạn. Rổ hàng hóa đa dạng gồm nhà thấp tầng, tháp văn phòng, căn hộ cao tầng, trung tâm mua sắm cùng nhiều tiện ích. Tại dự án mới này, các căn hộ có giá từ 31 triệu đồng/m2, "mềm" hơn so với dòng sản phẩm trước đó của Keppel Land là Estela (36-45 triệu đồng/m2).

Công ty Tiến Phát - thành viên thuộc Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình chỉ phát triển dự án tại quận 2 (Thảo Điền) và quận 4 (Bến Vân Đồn) trong vài năm qua. Doanh nghiệp cùng các đối tác Nhật là Sanei Kenchiku Sekkei, Sanyo Homes Group và Pressance Corporation và đã dịch chuyển về địa bàn mới tại khu Nam TP HCM để đầu tư trong quý cuối năm 2016.

Đơn vị này vừa công bố 2 dự án trong quý IV/2016, gồm: Ascent Riverside phường Tân Thuận Đông và Ascent Lakeside phường Tân Thuận Tây đều tọa lạc tại quận 7, Tp.HCM, được quản lý theo tiêu chuẩn Nhật. Mức giá bán được công bố lần lượt là 27-36 triệu đồng/m2. Khung giá này dễ tiếp cận hơn 2 dự án tại quận 2 và quận 4 của doanh nghiệp (37-43 triệu đồng/m2). Không chỉ có giá cả mềm hơn mà dự án mới còn đa dạng sản phẩm khi có thêm loại hình bất động sản căn hộ lai, officetel, thêm chức năng văn phòng.

Trong khi đó, Novaland tiến ra thị trường Đà Nẵng sau gần 1 thập niên phát triển dự án khắp các trục Đông, Nam, Tây Sài Gòn. Công ty đã kết hợp với đối tác giành quyền phát triển dự án khu đô thị lấn biển Đa Phước - Đà Nẵng sau khi chủ đầu tư cũ Daewon thoái vốn. Công trình có quy mô hơn 180 ha, được tái khởi động với tên mới là Khu đô thị The Sunrise Bay.

Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Công ty Novaland chia sẻ, đây là dự án đầu tiên doanh nghiệp đặt chân ra thị trường bất động sản miền Trung, là bước mở đầu cho chiến lược mở rộng phát triển bất động sản ra những tỉnh thành khác ngoài địa bàn Tp.HCM. The Sunrise Bay sẽ đa dạng nhiều phân khúc và loại sản phẩm để tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau chứ không thiên về cao tầng hay phân khúc cao cấp như Sài Gòn.

Theo nhận định của ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, việc các đại gia địa ốc đang đua nhau dịch chuyển địa bàn ra khu mới là hệ quả tất yếu khi khu cũ đã lấp đầy. Có thể nói, đây là chiến lược sống còn của doanh nghiệp.

Chuyên gia này phân tích, sau một thời gian dài phát triển ở một khu vực hoặc vị trí nhất định, địa bàn cũ sẽ trở nên chật chội, bão hòa, thậm chí là quá tải. Thế nên, việc tìm kiếm quỹ đất ở một địa điểm khác tuy di chuyển xa hơn nhưng có tiềm năng sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được tối đa nguồn lực sẵn có.

Theo ông Nam, việc dịch chuyển sang địa bàn mới còn có hàm ý định vị thêm sản phẩm mới hoặc vùng giá mới. Đối với việc tìm tới phân khúc có giá cạnh tranh hơn cũng nằm trong chiến lược mở rộng thị phần đầy khôn ngoan của các doanh nghiệp có tầm nhìn xa.

Thực tế cho thấy, bất động sản thuộc phân khúc giá cao đòi hỏi vị trí đắc địa và để tìm kiếm quỹ đất này là nhiệm vụ khó khăn, thách thức. Vì vậy, mở rộng địa bàn ra vị trí xa hơn một chút nhưng sản phẩm thuộc phân khúc có giá cả cạnh tranh, dễ mua, đa dạng sản phẩm hơn sẽ giải quyết được 2 vấn đề lớn.

Một là, tăng độ phủ thương hiệu từ việc tăng sức ảnh hưởng trên phạm vi rộng hơn và nhờ đó, kéo theo tăng thị phần. Hai là, cân bằng rổ hàng hóa, đa dạng để thích nghi, tránh những mối nguy hại lệch pha cung cầu do chỉ tập trung vào một phân khúc nhất định.

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu