Ken McCarthy - Nhà kinh tế cấp cao của Cushman & Wakefield cho rằng, BĐS thương mại London có thể phải hứng chịu phản ứng tiêu cực với việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 24/6 vừa qua, kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người Anh ủng hộ tách khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Sự kiện này đã khiến đồng bảng Anh có lúc mất 10% so với USD, xuống mức thấp nhất 31 năm qua. Với diễn biến này, Cushman & Wakefield đã đưa ra một số dự báo ngắn hạn cho nền kinh tế và thị trường BĐS Anh.
Theo ông Ken McCarthy, vài tuần tới có thể sẽ thấy các bất ổn ảnh hưởng lên việc ra quyết định của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp có thể sẽ hoãn việc đưa ra bất kỳ quyết định nào về đầu tư và tuyển dụng thu hẹp hoặc mở rộng trước một thị trường đầy bất ổn.
Brexit sẽ có xu hướng gây tổn thương nền kinh tế trong ngắn hạn do làm gia tăng bất ổn, chuyên gia này dự báo. Đầu tiên, việc trưng cầu dân ý có thể làm giảm đầu tư vào Anh dù trong ngắn hạn chi tiêu của người tiêu dùng chưa có thay đổi đáng kể.
Tiếp đến là khả năng siết chặt nhập cư có thể dẫn đến tăng chi phí tiền lương và làm giảm năng lực cạnh tranh. Tuy vẫn chưa xác định rõ điều gì sẽ tác động lên nền kinh tế ở Vương quốc Anh nhưng thiệt hại từ các doanh nghiệp chuyển sang Liên minh châu Âu có thể được bù đắp bởi các doanh nghiệp khác tìm cách khai thác sự mở rộng cửa hơn, ít quy định hơn của thị trường Anh.
Theo Cushman & Wakefield, BĐS thương mại Anh có thể sẽ bị hãm phanh trong
ngắn hạn vì Brexit. (Nguồn ảnh: rightmove.co.uk).
Đặc biệt, ông Ken McCarthy lưu ý các tác động lên bất động sản thương mại. Theo đó, một cuộc bỏ phiếu để ra đi sẽ có cả các tác động tiêu cực lẫn tích cực lên nền kinh tế và dĩ nhiên sẽ tác động tương tự lên thị trường địa ốc.
Tác động thứ nhất là, việc đưa ra quyết định có khả năng sẽ chậm lại do người thuê chờ đợi để đánh giá các điều khoản của việc chia rẽ này trước khi đưa ra quyết định, ngoại trừ họ có nhu cầu cấp bách phải thuê. Hai là, sẽ có vài tác động tiêu cực lên việc tăng tiền thuê. Mặt khác, kỳ vọng tăng trưởng cho thuê giảm sẽ tạo áp lực lên doanh số.
Đồng thời, một loạt các yếu tố bao gồm chi phí vận hành, cơ hội tiếp cận thị trường, quy định, sự sẵn có của lao động có tay nghề và tầm quan trọng của Vương quốc Anh trong nền kinh tế toàn cầu sẽ chi phối quyết định của khách thuê. Tất nhiên, một vài trong số đó có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các điều khoản của cuộc ly hôn đình đám này.
Dù đưa ra các dự báo không mấy sáng sủa nhưng ông Ken McCarthy khẳng định, ngay cả khi quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh vẫn sẽ mang lại lợi thế lớn cho khách thuê toàn cầu bởi vị trí quan trọng của mình.
Có phần lạc quan hơn, Savills cho rằng, trong lúc cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh quốc ở lại trong Liên minh châu Âu chưa ngã ngũ, tỷ lệ đầu tư vào BĐS thương mại đã đạt đến 13,8 tỷ bảng vào quý I/2016, con số này cao hơn mức đầu tư trung bình trong dài hạn là 9,5 tỷ bảng.
Theo dự báo của Savills, năm 2015, thị trường BĐS thương mại trên toàn Liên hiệp Anh vẫn tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ và được dự đoán sẽ chiếm gần 62% tổng thị trường năm 2016 với mức đầu tư cao kỷ lục 10,9 tỷ bảng.
Trong tương lai, tổng lợi nhuận tính trên tất cả các BĐS thương mại sẽ giảm từ 12,9% trong năm 2015 xuống 4,1% vào năm 2017, trước khi tăng lên 7,9% vào năm 2020 khi nhu cầu về thuê thương mại đạt mức tăng trưởng ổn định hơn, đơn vị này dự báo.