Doanh nghiệp BĐS sợ không kịp điều chỉnh khi siết tín dụng quá nhanh

  25/02/2016 - 07:26

Hiện tại, một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch ứng phó một khi Thông tư 36 sửa đổi theo hướng 'siết' tín dụng bất động sản (BĐS) được ban hành. Những doanh nghiệp khác tìm cách hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.

Doanh nghiệp hạ kế hoạch

Vào ngày 23/02/2016, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland (một trong những doanh nghiệp dẫn đầu tại Tp.HCM về số lượng dự án căn hộ), ông Bùi Cao Nhật Huân cho hay, trường hợp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tín dụng BĐS, Novaland sẽ tập trung phát triển và hoàn thành dự án đã công bố, đồng thời hạn chế mua thêm dự án mới để không tăng dư nợ nhằm đảm bảo thanh khoản và góp phần phát triển bền vững của thị trường BĐS cũng như của công ty.

Cụ thể, Novaland chỉ đặt mục tiêu tung ra thị trường 5 dự án mới với tổng số căn hộ là 4.000 sản phẩm trong năm 2016, tập trung các dự án tại khu trung tâm và các sản phẩm biệt thự, nhà phố. Năm ngoái, tập đoàn này đã tung ra 12 dự án với lượng căn hộ đã bán ra tới 6.000 căn.

Theo đại diện một doanh nghiệp có nhiều dự án đang triển khai tại Tp.HCM, cơ quan quản lý đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 36 với mục đích hạn chế một phần tín dụng chảy vào BĐS nhằm kiểm soát dòng vốn, qua đó lành mạnh hóa thị trường BĐS.

siết tín dụng BĐS
Để ứng phó với việc Thông tư 36 sửa đổi theo hướng 'siết' tín dụng BĐS được ban
hành, doanh nghiệp địa ốc tìm cách hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.

Song, nếu áp dụng mức thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250% chỉ sau một năm áp dụng là quá nhanh, doanh nghiệp không kịp điều chỉnh mà nên áp ở mức tầm 200% rồi mới nâng lên sẽ hợp lý hơn.

Trong công văn gửi đến cơ quan chức năng trước đó, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất hạ tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn tối đa từ 60% xuống 40% của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ làm cho các doanh nghiệp địa ốc không kịp thích nghi.

Theo đề xuất của ông Châu, trường hợp có điều chỉnh thì nên áp dụng tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tối đa là 50%, như thế sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp lẫn thị trường.

Hạn chế phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia (An Gia Investment), ông Lương Sỹ Khoa nhận định, việc điều chỉnh chính sách và siết chặt tín dụng BĐS sẽ có những ảnh hưởng đến khách hàng mua căn hộ có nhu cầu vay vốn qua ngân hàng, đồng thời tác động đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Thế nhưng, định hướng bán hàng của An Gia Investment là hướng đến các khách hàng có nhu cầu ở thật. Nhóm khách hàng này có đặc điểm là sở hữu được một nguồn vốn nhàn rỗi nhất định nên mới có kế hoạch mua căn hộ.

Mặt khác, việc hợp tác toàn diện với Quỹ Đầu tư Creed Group (Nhật Bản) cũng giúp An Gia Investment có nguồn tiềm lực chính mạnh và tiếp cận được nguồn vay ưu đãi thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng. Do đó, việc siết chặt tín dụng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của đơn vị này.

An Gia Investment và Quỹ Đầu tư Creed Group hợp tác với một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam để phát triển một dự án mới với quy mô 8.000 căn hộ trong năm 2016, dự kiến ra mắt thị trường vào cuối quý I năm nay, ông Khoa chia sẻ.

Trong khi đó, Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc lớn tại Tp.HCM cho hay, từ trước tới nay, công ty ông không quá phụ thuộc vào dòng vốn ngân hàng do sợ phải lao theo những chích sách tín dụng mà nhà nước đưa ra. Thế nên, tuy biết rằng thị trường sẽ ảnh hưởng một phần nếu Thông tư 36 sửa đổi được ban hành nhưng trong năm 2016, doanh nghiệp vẫn đi theo chiến lược đã đề ra trước đó với số lượng dự án và căn hộ bán ra vẫn cao so với năm 2015 khoảng 15%.

(Theo Người lao động)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu