Không trực tiếp đền bù giải phóng mặt bằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp địa ốc dùng chiêu thâu tóm, liên kết hoặc mua cổ phần của các đối tác nhằm gia tăng quỹ đất một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tiết lộ đang hạn chế kế hoạch mua thêm dự án trong năm 2016 bởi những lo ngại thắt chặt tín dụng. Vậy nhưng, thị trường M&A vẫn tăng nhiệt theo một hình thức khác là liên doanh liên kết và hợp tác từng phần hoặc toàn diện.
Công ty CP Căn nhà mơ ước (DRH) vừa mới thông qua phương án tăng vốn gấp 3 lần vào quý I/2016 bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Được biết, số lượng chứng khoán phát hành thêm là 30.600.000 cổ phần ở mức giá 10.000 đồng/cp. Theo đó, vốn điều lệ của DRH sau khi tăng sẽ đạt 490 tỷ đồng. Động thái tăng vốn điều lệ lên 490 tỷ đồng lần này tạo điều kiện thuận lợi để công ty xúc tiến các dự án quy mô lớn.
Trong năm 2016, nhu cầu đầu tư sẽ tiếp tục gia tăng, doanh nghiệp nào có sẵn quỹ
đất sạch sẽ nắm được nhiều lợi thế.
Năm 2016, DRH triển khai hàng loạt dự án tiềm năng như dự án 1177 Huỳnh Tấn Phát (Q.7, Tp.HCM); dự án 277 Bến Bình Đông (Q.8); khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An tại Bà Rịa - Vũng Tàu,… Các dự án này sẽ đánh dấu sự trở lại của DRH trên thị trường BĐS.
Tổng Giám đốc DRH, ông Phan Tấn Đạt chia sẻ: “Trong định hướng sắp tới, ngoài việc phát triển mảng kinh doanh địa ốc, công ty sẽ tiếp tục thực hiện M&A và đầu tư vào các doanh nghiệp (niêm yết hoặc chưa niêm yết) có tiềm năng, thích hợp với chiến lược phát triển bền vững của công ty để phát triển quỹ đất, tăng lợi nhuận".
Trong khi đó, Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) bất ngờ gia tăng thêm 6 dự án căn hộ, cao ốc văn phòng, khu đô thị, khu dân cư tại Nam Định, Nha Trang, Tp.HCM vào danh mục đầu tư tới với quy mô quỹ đất lên đến 56 ha khi bắt tay với các đối tác trong nước.
Giữa tháng 3/2016, Tổng giám đốc Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII), ông Lê Quốc Bình cũng tiết lộ, doanh nghiệp đang lên kế hoạch thành lập công ty BĐS với quỹ đất là 3 dự án có vị trí đắc địa tại Sài Gòn. Đồng thời, doanh nghiệp xúc tiến phương án tiếp cận Công ty Năm Bảy Bảy để tận dụng thế mạnh của đối tác để đi chặng đường dài hơi. CII đang chọn cách tiếp cận với cổ đông nước ngoài đang nắm giữ cổ phần Năm Bảy Bảy để mua thỏa thuận lô lớn.
Một đại gia địa ốc sở hữu quỹ đất lớn hơn trăm ha tại Sài Gòn với đầy tham vọng bành trướng quỹ đất, Khang Điền cũng chọn con đường ngắn nhất là thâu tóm cổ phần của đối tác. Công ty đã mua thỏa thuận 32 triệu cổ phiếu của Công ty CP đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) vào cuối năm ngoái, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 57,31% và mở đường cho chiến lược tăng quy mô quỹ đất.
Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cho hay, sẽ phát hành tối đa trên 117,2 triệu cổ phần với giá phát hành 10.000 đồng/cp và tỷ lệ thực hiện quyền 1:1. Theo dự kiến, vốn huy động từ đợt phát hành này là trên 1.172 tỷ đồng sẽ được tài trợ cho dự án thành phần thuộc Dự án Khu dân cư và tái định cư Nam Rạch Chiếc tại An Phú (Q.2, Tp.HCM), bao gồm cả nhận chuyển nhượng dự án.
Từ năm 2015, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM) đã phát hành thêm 222,6 triệu cổ phiếu trong quý II và quý IV năm ngoái, đưa vốn điều lệ của Công ty tăng gấp 2,08 lần. Bên cạnh kế hoạch phát hành cổ phiếu này, Sao Mai còn dự kiến phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư vào các dự án BĐS mới trong thời gian tới.
Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, ông Alex Crane nhận định, thị trường địa ốc Việt Nam đang được đánh giá cực kỳ hấp dẫn không chỉ đối với nhà đầu tư trong nước mà cả với khối ngoại. Nhu cầu đầu tư sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2016 và có sẵn quỹ đất sạch là nắm được nhiều lợi thế.