Khác với kiểu tung hàng nhỏ giọt trước đây, trong quý cuối của năm 2015, thị trường bất động sản chứng kiến xu hướng bán vài chục dự án nhà ở, tức tương đương năm bảy nghìn sản phẩm một lúc được các doanh nghiệp địa ốc áp dụng giống như những đợt xả hàng điện máy.
Thị trường BĐS Tp.HCM xuất hiện một số đợt bung hàng tập trung quy mô lớn trong 2 quý cuối năm 2015, điều trước nay hiếm khi xảy ra. Chính những đợt mở bán kiểu này khiến nguồn cung hàng hóa trên thị trường tăng đột biến.
Vào giữa tháng 9/2015, Novaland giới thiệu 25 dự án phân bổ từ khu trung tâm Tp.HCM lan tỏa khắp các trục đô thị phía Đông - Nam - Tây. Khoảng 6 nghìn khách hàng đã tham gia sự kiện này.
Bên cạnh đó, Đất Xanh cũng chào bán tập trung 20 dự án mới chỉ trong 2 ngày 24 và 25/10. Sự kiện thu hút sự tham gia của 3 nghìn đối tác, khách hàng và nhà đầu tư. Doanh nghiệp này tung ra sản phẩm của tất cả mọi phân khúc, trong đó có cả BĐS nghỉ dưỡng.
Công ty cổ phần địa ốc Phú Long cũng dự kiến triển lãm mở bán 15 dự án khu đô thị, căn hộ, biệt thự, khách sạn và BĐS nghỉ dưỡng tại Tp.HCM cũng như tại các đô thị lớn của Việt Nam trong tháng này. Được biết, đây là các dự án do doanh nghiệp trực tiếp đầu tư xây dựng và hợp tác phát triển.
Như vậy, chỉ với 3 đợt công bố giới thiệu sản phẩm của các 'ông lớn' nói trên, gồm cả các dự án đã, đang và sắp bán thì thị trường BĐS tiếp nhận 60 dự án với nguồn cung tính bằng đơn vị chục nghìn sản phẩm.
Hình ảnh tại một buổi bán hàng tập trung 20 dự án tại Tp.HCM trong quý cuối
cùng của năm 2015.
Bàn về cơ chế bán hàng tập trung quy mô lớn trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đực, PGĐ Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng: "Công nghệ bán BĐS của năm 2015 đã vượt khỏi hình thức marketing thông thường. Hiện tại, nguồn cung thị trường đã tăng đột biến nên cuộc đua cạnh tranh xả hàng cũng ở cấp độ cao hơn và ngày càng khốc liệt hơn".
Lãnh đạo Đất Lành lý giải, trước đây doanh nghiệp chỉ có bán hàng theo từng giai đoạn của dự án, với mỗi đợt vài chục đến vài trăm sản phẩm, quy mô nhỏ lẻ như đánh du kích thì nay họ sẽ 'đánh' những trận tổng lực quy mô lớn. Theo đó, nguồn cung tung ra một lần có thể 5-7 nghìn căn.
Chuyên gia này cho hay, chủ đầu tư và đơn vị phân phối phải lôi kéo được từ 500-700 khách quan tâm mới có thể tạo được cục diện cung cầu cân bằng, có vậy mới bán được hàng. Hơn nữa, tỷ lệ hàng hóa giao dịch thành công trong các dự án vì vậy cũng phải đạt từ 50% trở lên mới có đủ cơ sở để triển khai nhanh. Ông Đực nhấn mạnh: "Điều đó có nghĩa là hàng hóa phải được tiêu thụ nhanh mới đủ lực thúc đẩy các dự án chuyển động".
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT một công ty BĐS có trụ sở tại quận 10 (Tp.HCM) đánh giá, bán BĐS quy mô lớn sẽ có những ưu nhược điểm nhất định của nó. Cụ thể, các đợt công bố mở bán tập trung vừa chứng tỏ tiềm lực hùng hậu của các chủ đầu tư, đồng thời cho thấy niềm tin của toàn thị trường (gồm cả bên mua lẫn bên bán) đã hồi phục.
Mặt khác, lượng hàng hóa dồi dào phục vụ được nhiều đối tượng khách khác nhau, giúp kích cầu, so với việc bán nhỏ giọt thì bán với uy mô lớn sẽ huy động vốn tốt hơn. Với những công ty niêm yết thì việc công bố hàng hóa tập trung được xem là thông tin tốt, điều này hoàn toàn có lợi cho việc ổn định thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, mặt hạn chế của việc bán hàng quy mô lớn là, quá trình công bố thông tin còn khá khiêm tốt. Vị này cho rằng, cần tăng tính minh bạch của các dự án mới được công bố hoặc mở bán tập trung. Chẳng hạn như, pháp lý của các sản phẩm thuộc diện nào, đủ điều kiện bán hay đã được thay đổi chủ và dự án đó hợp tác đầu tư như thế nào,... tất cả những thông tin này đều cần phải được công bố kèm theo sản phẩm để khách hàng tiện theo dõi kỹ hơn.
Đằng sau những rổ hàng hóa khủng là muôn vàn câu chuyện, giới đầu tư địa ốc nhận định. Đó có thể là hàng hóa mới toanh, trình làng lần đầu tiên. Hoặc cũng có thể là hàng tồn kho đã được hồi sinh sau khủng hoảng nhờ M&A, sang chủ mới. Thứ nữa, cũng không loại trừ dự án là hàng thanh lý mới được thâu tóm. Theo một chuyên gia trong ngành: "Có thể xem cuộc đua xả hàng quy mô lớn như trận đánh tổng lực xử lý nợ xấu. Vì vậy, cần tăng tính minh bạch để mạch phục hồi của thị trường được bền vững hơn".