UBND Tp.HCM đang rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, cũng như tình hình triển khai các dự án thuộc khu đô thị Tây Bắc, đặc biệt là dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya.
UBND Tp.HCM vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị Tây Bắc theo hướng kết hợp phát triển các khu dân cư mới với chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.
Giao Ban Quản lý Đầu tư - xây dựng khu đô thị Tây Bắc rà soát cơ sở pháp lý, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để hạn chế tối đa việc khiếu kiện, khiếu nại, khi thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kế hoạch triển khai công tác bồi thường từ nay đến năm 2020, sau đó trình UBND thành phố trong tháng 12/2016.
Khu đô thị Tây Bắc có quy mô diện tích khoảng 9.000ha. Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án có quy mô 6.089ha, thuộc địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi; xác định trong đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt và quy hoạch chung xây dựng huyện Củ Chi, được UBND Tp.HCM phê duyệt. Giai đoạn 2, khu đô thị Tây Bắc dự kiến mở rộng thêm khoảng 3.000ha, nằm trên địa bàn xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.
|
Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya |
UBND Tp.HCM cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện, trong đó có dự án của Công ty TNHH MTV Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya; đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để các nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nếu dự án không đủ điều kiện tiếp tục triển khai.
Đầu năm 2007, UBND Tp.HCM chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu đô thị - Đại học quốc tế Berjaya (VIUT) cho Tập đoàn Berjaya (Malaysia) với tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Dự án có quy mô 925 ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, thuộc Khu đô thị Tây Bắc Tp.HCM. Theo đó, chủ đầu tư sẽ dành trên 100 ha phát triển VIUT thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.
Cụ thể, ngoài các trường đại học, dự án sẽ cung cấp thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, đến trung học phổ thông. Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp bao gồm khu dân cư, khu thương mại, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15 ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, khu công viên cây xanh, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí,…
Với thiết kế đó, dự án đã từng mang đến cho Thành phố sự kỳ vọng lớn về một khu đô thị hiện đại, nhưng sự kỳ vọng đã chuyển sang thất vọng khi đến nay chỉ mới có số ít diện tích trong tổng thể dự án được đền bù giải tỏa, còn các kế hoạch khác đều còn nằm trên giấy.
Theo văn bản của UBND thành phố, lãnh đạo Tp.HCM cũng giao Sở Giao thông vận tải xác định các trục đường chính cần thực hiện, thứ tự ưu tiên triển khai để tạo động lực thu hút, mời gọi đầu tư phát triển Khu đô thị Tây Bắc; ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường theo hình thức đối tác công tư (PPP) với phương thức thanh toán bằng quỹ đất.
Bên cạnh đó, UBND thành phố chấp thuận hủy bỏ chủ trương “tạm không phát triển thêm dự án nhà ở thương mại tại Khu đô thị Tây Bắc” trước đây. Trong khi ban Quản lý Đầu tư - xây dựng khu đô thị Tây Bắc được giao xây dựng Đề án thu hút đầu tư phát triển hạ tầng xã hộ, hạ tầng kỹ thuật, để tạo động lực phát triển trong những năm tới.