Cơn sốt đất nền vùng ven Sài Gòn dù đã đi qua, nhưng giá vẫn cao gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến những người mua thực rất khó khăn trong việc sở hữu nền đất ở thời điểm hiện tại.
Từ giữa năm 2017, anh Nguyễn Hữu Nghị (trọ ở quận 2) đã nung nấu ý định mua đất thổ cư, song, cho đến thời điểm kế hoạch hoạch của anh vẫn chưa thể thực hiện được. Nguyên nhân là do số tiền mà anh dành dụm được không thấm vào đâu so với sự biến động giá của đất nền quận 2 sau những đợt nóng sốt. Giá mảnh đất mà anh Nghị định mua vào năm ngoái hiện đã tăng gấp đôi, thế nên giấc mơ an cư của gia đình anh vẫn chưa thể thành hiện thực được.
Dù có trong tay khoảng 700 triệu đồng nhưng chị Hồ Thị Huế vẫn phải ở trong cảnh nhà thuê. Nguyên nhân là do vào thời điểm đất "hạ nhiệt" hồi giữa năm 2017, vì muốn chờ đợi giá đất hạ nhiệt tiếp nên chị chưa vội xuống tiền mua. Nhưng ai ngờ giá chẳng giảm mà lại còn tăng đến mức chóng mặt kể từ khi sau Tết. Ở thời điểm hiện tại, số tiền 700 triệu đồng mà gia đình chị Huế có được khó có thể mua nổi đất ở quận 9.
Anh Vũ Văn Quyế (quận 7) cũng cùng chung nỗi lòng như trên, nói: "Dành dụm, vay mượn 2 bên gia đình được 600 triệu đồng. Vào tháng 9/2017, 2 vợ chồng tính mua nền đất 100m2 tại đường Lê Văn Lương nối dài (huyện Nhà Bè) nhưng còn thiếu 200 triệu đồng nên quyết định chưa mua mà để gom đủ tiền qua Tết sẽ mua. Thế nhưng, đến nay khi quay lại thì nền đất này đã tăng giá lên 1.8 tỉ đồng và đã qua 3-4 NĐT khác nhau". Vì không tìm được nền đất phù hợp với tài chính ở huyện Nhà Bè nên anh Quyết đành phải chuyển hướng về khu vực xa hơn như Long An, Củ Chi để tìm đất an cư.
|
Đất nền vùng ven Sài Gòn liên tục tăng cao khiến giấc mơ an cư của người dân ngày càng bị đẩy lùi. |
Hiện trên thị trường không hiếm gặp những trường hợp như anh Nghị, anh Quyết, chị Huế. Bởi, giá đất nền ven Tp.HCM hiện đã tăng trung bình từ 30-40% so với thời điểm 1 năm về trước, thậm còn tăng 50-60% đối với một số khu vực tại quận 2, quận 9. Việc đất nền liên tục tăng giá đã khiến giấc mơ sở hữu chốn an cư của những lao động tỉnh lẻ ngày càng bị đẩy lùi.
Không chỉ khó mua đất nền ở vùng ven Sài Gòn, mà ngay cả một số tỉnh thành lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, với số tiền khoảng 500-700 triệu đồng, khách mua thực cũng không dễ tìm được nền đất ưng ý.
Có một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường BĐS Tp.HCM, đó là, trong khi quỹ đất bán ra hạn hẹp; giá đất lên cao khiến người mua thực khó sở hữu thì đất trống trong các dự án KDC lại còn khá nhiều. Có những KDC dù đã hình thành từ 2-3 năm trước nhưng hiện chỉ vài căn nhà có người sinh sống, đất trống chiếm tới 60-70%. Hầu hết các quỹ đất trống này nằm trong tay các NĐT mua đi bán lại với giá cao, khiến người mua thực khó mà với đến được.
Tại thời điểm giá đất nền khu ven có dấu hiệu "giảm tốc" thì đối tượng mua đất đa phần vẫn là NĐT chứ có rất ít người mua thực. Phải chăng, người mua thực không dám xuống tiền tại thời điểm này không chỉ vì giá đất vượt quá so với khả năng, mà còn do niềm tin vào thị trường đang có sự lung lay?
Các chuyên gia cho rằng, nạn nhân cuối cùng của những đợt tăng giá đất trong thời gian vừa qua chính là những người mua thực. Chính vì vậy, họ luôn tỏ ra nghi ngờ về giá đất thị trường. Họ không biết đâu là giá trị nên nảy sinh tâm lý e dè, chờ đợi, lưỡng lự không muốn xuống tiền.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Nguyễn Văn Đực: Người mua đất nền khu ven Sài Gòn có nhu cầu thực chỉ chiếm 20%, còn đa phần là NĐT. Thậm chí, cả những nền đất đã qua tay nhiều NĐT vẫn tiếp tục được chuyển nhượng cho NĐT thứ cấp khác. Vì thế mà dòng tiền và giá lên xuống chủ yếu từ NĐT mà ra. Cách đây 2 năm, người mua thực chỉ cần có trong tay 400- 500 triệu đồng là có thể sở hữu được những nền đất 50-60m2 ở các khu vực như quận 9, Nhà Bè, Bình Chánh, nhưng nay, cũng số tiền đó, họ còn khó mua được nền đất chưa lên thổ cư chứ nói gì đến đất thổ cư đầy đủ pháp lý.
Đã có những hệ lụy khôn lường từ việc giá đất tăng quá cao, vượt xa so với giá trị thực. Đó là hình ảnh về những KĐT, KDC bỏ hoang. Vì vậy, dù mục đích là gì thì vẫn phải luôn hướng đến nhu cầu.