Giấc mơ an cư cho người thu nhập thấp vẫn xa vời

  09/12/2014 - 09:29

Ước mơ về một nơi an cư cho đến nay vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người thu nhập thấp. Thời điểm này là thời điểm giá nhà đã bớt ảo, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tuy có nhiều thuận lợi như vậy cũng chỉ mới giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu nhà cho đối tượng này.

Nỗ lực…

Chỉ thị số 07/2003/CT-UB quy định một số chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp đã được Tp.HCM ban hành từ năm 2003. Trong đó,  các quy định về chính sách thuế, hỗ trợ vốn, thủ tục đầu tư… đã được các nhà làm chính sách ban hành nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng nhà cho đối tượng là người mua thu nhập thấp. Ngoài ra, thành phố cũng đã ban hành một số quy định một số dự án đầu tư phải dành từ 10% quỹ đất xây dựng nhà ở hoặc 20% quỹ nhà bán để đưa vào quỹ nhà đất phục vụ chương trình xây dựng nhà ở cho đối tượng này.

nhà cho người thu nhập thấp
Người thu nhập thấp vẫn không thể với tới những căn hộ này.

Trên 600 tỷ đồng đã được Quỹ phát triển nhà ở Tp.HCM giải ngân trong khoảng 10 năm trở lại đây, đáp ứng nhu cầu vay mua của gần 2.000 người có thu nhập thấp ở trên địa bàn thành phố. Những dự án nhà cho người thu nhập thấp đã được hỗ trợ vốn vay như chung cư tái định cư Ngô Gia Tự, Nguyễn Kim, 109 Nguyễn Biểu, 481 bến Ba Đình, chung cư tái định cư 241/1/25C Nguyễn Văn Luông, nhà ở xã hội An Sương… với gần 330 tỷ đồng tổng vốn đã giải ngân. Số vốn hỗ trợ đã giải ngân trong năm 2013 của Quỹ phát triển nhà ở Tp.HCM là 164 tỷ đồng, trong khi đó, năm 2014 con số này đã tăng lên, ước tính đạt khoảng 172 tỷ đồng. Nhưng những con số đó so với nhu cầu thực tế vẫn còn là ít, vì theo tính toán của Viện nghiên cứu và phát triển Tp.HCM, thành phố hiện có trên 100.000 người có thu nhập thấp cần có chỗ ở

Giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phát triển nhà ở Tp.HCM, bà Đào Thị Hương Lan cho biết: Hiện nguồn cung nhà ở chưa phát triển tương xứng với nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trước sự chênh lệch đó, thành phố đang đặt mục tiêu, mỗi năm trung bình phải xây dựng được khoảng 675.000m2 sàn nhà ở và mục tiêu đến năm 2015, Tp.HCM phải xây dựng được 17.500 căn hộ, tương ứng với khoảng 1,3 triệu m2 diện tích sàn nhà mới có thể đủ để đáp ứng nhu cầu mua thuê của người thu nhập thấp.

Sắp tới, khoảng 800.000 m2 nhà ở cho công nhân cũng được thành phố lên kế hoạch xây mới, đủ đáp ứng cho khoảng 93.000 người lao động. "Để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tiếp cận vốn vay tạo dựng nhà ở được nhiều hơn, chúng tôi cũng đang đề xuất tăng mức cho vay và tiếp tục hạ lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có thể tiếp cận nguồn vốn này", bà Lan cho biết.

Vẫn còn nhiều bất cập

Thị trường bất động sản đóng băng, cùng với nhiều chính sách ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội, khiến nhiều doanh nghiệp chuyển các dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội và đổ vốn đầu tư vào phân khúc này. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn "đổ xô" vào dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp cũng đã "tháo chạy" hoặc xin chuyển các dự án nhà ở xã hội trở lại dự án nhà ở thương mại.


Khi Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, cùng với gói tín dụng ưu đãi tập trung vào phân khúc nhà giá thấp, nhà ở xã hội đã trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư nhà ở. Bên cạnh đó, những chính sách như cho phép chẻ nhỏ, chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội… đã tạo ra những tín hiệu khả quan cho phân khúc này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu thực tế vẫn không có, trong khi thủ tục xác nhận để mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội lại nhiêu khê, khiến phân khúc nhà ở xã hội gần như rơi vào bế tắc.

Nghị quyết 61/NQ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 21/8/2014 cho phép người mua có thể vay gói tín dụng 30.000 tỷ, với điều kiện giá trị căn nhà không vượt quá 1,05 tỷ đồng, thời gian vay được nới rộng ra từ 10 lên 15 năm. Những thuận lợi này đã giúp các dự án nhà ở thương mại có điều kiện để tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư nhà ở trước đó tìm mọi cách chuyển các dự án nhà ở thương mại thành dự án nhà ở xã hội, nay nhanh chóng xin chuyển trở lại thành dự án nhà ở thương mại, do các dự án nhà ở xã hội thực sự không còn lợi thế, trong khi thủ tục lại rườm rà.

Khi phân khúc nhà ở xã hội không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nữa, thì người thu nhập thấp cũng chỉ còn trông chờ vào những chính sách ưu đãi từ các dự án nhà ở xã hội của Nhà nước. Tuy nhiên, ngay cả các dự án của Nhà nước, xây dựng trên đất công với nhiều ưu đãi cho cán bộ công chức nghèo, thì người nghèo thực sự vẫn chưa với tới, và phần lớn những căn hộ này rơi vào tay những người có tiền, nhưng không có nhu cầu nhà.

Chỉ cần thông qua "cò" hoặc một số trang rao vặt cũng có thể thấy, hàng loạt căn hộ của các dự án nhà ở xã hội của thành phố được rao bán hoặc cho thuê công khai. Mặc dù, theo quy định của UBND thành phố, người thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được tự ý bán hoặc chuyển quyền thuê cho người khác mà không được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Xây dựng, trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi.

Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Lê Mạnh Hà cho biết: hiện vẫn tồn tại nhiều quy định chưa phù hợp trong chính sách nhà ở xã hội. Quá trình triển khai thực hiện còn máy móc, thủ tục tiếp cận vốn vay để mua nhà khó khăn, trong khi chất lượng dịch vụ lại chưa tốt.

TS Nguyễn Thị Bích Loan, Đại học Tôn Đức Thắng:  Xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở

Quỹ tiết kiệm nhà ở đang được tính đến như một trong những giải pháp ưu việt nhằm tạo ra kênh dẫn vốn hiệu quả, lâu dài cho phát triển nhà ở. Phương thức hoạt động của Quỹ là huy động tiền tiết kiệm hàng tháng của những người cần nhà ở cộng với một phần tiền thu được từ đầu tư đất đai đô thị và thị trường bất động sản. Quỹ này dành cho người thu nhập thấp vay để mua nhà và thế chấp bằng chính căn nhà mua được, sau đó người vay trả dần trong nhiều năm. Chẳng hạn như ở Singapore, Chính phủ lập Quỹ tiết kiệm Trung ương (CPF). Các tổ chức tuyển dụng lao động có nghĩa vụ đóng 13% và người lao động đóng 20% tổng số lương hàng tháng vào quỹ như một khoản tiết kiệm theo lãi suất ngân hàng để sử dụng mua nhà. Người dân có quyền dùng số tiền trên để mua nhà, thanh toán viện phí, chi phí học lên cao và được trả lãi. Những người dân đóng góp vào CPF được Chính phủ hỗ trợ mua nhà giá rẻ hơn hai lần và những người này có thể bán những căn hộ của mình theo giá thị trường.

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM:

Đại đa số người thu nhập thấp không đủ điều kiện để tiếp cận các chương trình nhà xã hội của thành phố. Quy định đối tượng được vay vốn chủ yếu làm việc trong khu vực chính thức và phải có hộ khẩu tại thành phố để thuận lợi cho công tác quản lý. Tuy nhiên, đa số người thu nhập thấp lại không thuộc diện này nên họ không đủ điều kiện để nhận được những khoản hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, thời hạn hỗ trợ cho vay thực tế chỉ 15 năm khiến phần lớn người có thu nhập thấp không có khả năng đảm bảo và đủ điều kiện vay vì không có khả năng trả lãi suất.

Vì vậy, muốn giải bài toán nhà ở cho người có thu nhập thấp, thì Nhà nước cần phải có chính sách cả về phía nhà đầu tư nhà xã hội lẫn phía người thu nhập thấp. Cụ thể Nhà nước cần bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Chuẩn mực xây dựng cho nhà ở xã hội cũng phải tương đương như nhà ở thương mại, không khống chế tầng cao đối với nhà ở cho người thu nhập thấp. Cần bố trí những khoản tín dụng dài hạn cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách được vay vốn để mua nhà xã hội. Gia tăng thời gian được hỗ trợ đến 25 năm. Tuy nhiên, giai đoạn từ 15 - 25 năm thì nên xem xét lại điều kiện kinh tế cụ thể của người được hỗ trợ.

(Theo Tin tức)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu