Nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng hiện diện rõ nét trên thị trường bất động sản (BĐS) thế giới. Bên cạnh những điểm đến được ưa thích hàng đầu như Mỹ, Anh và Australia, người Trung Quốc tiếp tục nhắm tới các nước thuộc khu vực Địa Trung Hải.
Số liệu thống kê của Juwai.com - cổng thông tin BĐS hàng đầu Trung Quốc cho biết, người dân nước này đang tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các nước thuộc khu vực Địa Trung Hải. Ngoài những thị trường đầu tư BĐS truyền thống thì Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và đảo Síp hiện là những thỏi nam châm hấp dẫn giới nhà giàu Trung Quốc đến mua nhà nghỉ dưỡng hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Với sự hồi phục ngày một mạnh mẽ của nền kinh tế và giá nhà đất gia tăng liên tục, Tây Ban Nha hiện thu hút một lượng lớn khách hàng đến từ Trung Quốc. Giá nhà tại 2 thành phố lớn là Madrid và Barcelona trong quý III/2015 đã tăng lần lượt 3,3% và 6,5% so với cùng kì năm ngoái.
BĐS tại khu vực Địa Trung Hải đã lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư đến từ
Trung Quốc.
Hơn nữa, chính sách mở cửa đầu tư được coi là một trong những động lực chính khuyến khích người Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào khu vực Địa Trung Hải. Chẳng hạn, từ năm 2012 đến nay, Bồ Đào Nha đã cấp 2.022 visa đầu tư cho người nước ngoài, 80% trong đó người Trung Quốc. Trong khi đó, Hy Lạp và Tây Ban Nha cũng đưa ra các ưu đãi tương tự như đề án Visa Vàng cấp phép cư trú để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, nhà đầu tư Trung Quốc còn bị hấp dẫn bởi các yếu tố văn hóa, lịch sử và kiến trúc của BĐS Địa Trung Hải. Với những công trình kiến trúc lộng lẫy, cổ kính, có bề dày lịch sử đã thỏa mãn được nhu cầu sở hữu BĐS danh tiếng của giới nhà giàu Trung Quốc. Thứ nữa, những dự án BĐS đang trong quá trình hình thành với phong cách cổ điển cũng rất được quan tâm.
Đâu sẽ là địa điểm “đổ bộ” tiếp theo của giới đầu tư Trung Quốc sau khu vực Địa Trung Hải? Báo Daily Telegraph cho rằng, vùng duyên hải Adriatic của Croatia rất có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo. Còn theo các nhà phân tích, với tiềm lực tài chính vững mạnh, khó có thể cản được “cơn khát” nhà đất của dân Trung Quốc, tuy điều này có thể gây khó chịu cho người dân địa phương.