Thực tế cho thấy, với chính sách đầu tư xây dựng mới trung tâm hành chính để tập trung các sở ban ngành về một mối, trong nhiều năm qua, không ít địa phương đã đạt hiệu quả hoạt động cao, khai thác tối đa quỹ đất công.
Thế nhưng, trong khi nhiều địa phương hoàn toàn không có kế hoạch di dời hay xây mới trung tâm hành chính, môi giới nhà đất vẫn lợi dụng vào quy hoạch này để tung tin đồn, nâng giá nhà đất, tạo cơn "sốt ảo".
Mới đây, tại TP Đà Nẵng, câu chuyện này đã được lặp lại. Người dân Đà Nẵng thường "râm ran" về một kế hoạch lớn trong suốt 2 năm qua, đó là sẽ di dời toàn bộ trung tâm hành chính hiện hữu về khu vực Hòa Xuân thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Trước thông tin đó, ngay lập tực, nhiều sàn môi giới đã "mọc" cơ sở hoạt động tại khu vực này để phát triển, cùng với đó là những lời quảng cáo có cánh.
Theo đó, nhiều dự án nơi đây được "cò đất" tung hô, chào mời, quảng cáo thổi phồng kỳ vọng giá đất trong 1-2 năm tới chắc chắn sẽ tăng đột biến.
Ngụ tại quận Cẩm Lệ, một khách hàng tên Hoàn Ái chia sẻ, từ 1 năm trước gia đình bà đã tìm hiểu và mua 4 nền đất rộng khoảng 3.000m2 tại Hòa Xuân. Bà Ái cho hay: "Quyết định xuống tiền mua đất được diễn ra trong 1 ngày, sau khi nghe các môi giới tư vấn là đất ở đây đang khan hiếm do khách hàng đang ráo riết săn mua. Khu trung tâm hành chính hoành tráng sẽ được xây mới tại đây nên mua đầu tư rất dễ sinh lời".
Vậy nhưng, cho đến nay, ngoài tiền lãi phải trả ngân hàng gần 20 triệu đồng/tháng, gia đình bà tìm khách hàng bán lại khu đất trên để cắt lỗ vẫn không được. Qua tìm hiểu hàng trăm người đã mua đất ở đây vì tin rằng sẽ có trung tâm hành chính mới đều phải "ngậm đắng nuốt cay" bởi giá đất không tăng cao như quảng cáo mà bán ra cũng khó khăn.
Trước đó, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, lãnh đạo TP có đặt ra vấn đề di dời trung tâm hành chính đến nơi khác. Song việc này phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu tốt hơn mới làm.
Tin lời môi giới gom đất đón đầu trung tâm hành chính mới, nhiều nhà đầu tư
"khóc trên đống tiền".
Thêm một trường hợp khác đáng để kể đến là dự án GreenCity (Long An), được xem như Khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Long An. Ngoài lợi thế về vị trí, kết nối thuận lợi với Tp.HCM và các tỉnh miền Tây qua các tuyến đường hoàn thiện như cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, đại lộ Đông Tây… dự án với quy mô 76,6 ha được Công ty Cổ phần Đồng Tâm đầu tư với tổng vốn hơn 1 tỷ USD từ hơn 10 năm nay.
Trên thực tế, ngoài việc đầu tư khá hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cơ bản, hiện 18 căn biệt thự không có người ở nằm ngay mặt tiền quốc lộ, cỏ xanh bao phủ bốn bề. Theo một môi giới tại đây: “Giá nhà tại các khu đô thị như thế này khá cao so với thu nhập bình quân đầu người ở Long An, từ 1-1,2 tỷ đồng/nền đất và 4-7 tỷ đồng/biệt thự xây sẵn. Hơn nữa, người từ các địa phương tới đầu tư cũng khá ít bởi tổ hợp dự án này vẫn chưa có nhiều tiện ích phục vụ đời sống".
Khu đô thị này được xây dựng để đón đầu kế hoạch di dời trung tâm hành chính tỉnh về nơi mới, tuy nhiên nhiều năm kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện, theo thông tin từ một sàn môi giới ở khu vực này.
Hiện tại, dự án vẫn đang trông chờ vào khu trung tâm hành chính mới được xây dựng đồng bộ, cơ quan ban ngành chuyển về đây hoạt động sẽ giúp cải thiện tình hình này. Tuy vậy, lãnh đạo tại một sở ở Long An cho rằng kế hoạch "dời đô" cũng phải mất cả chục năm, dù có rút ngắn kế hoạch nhưng khu vực này sẽ hạn chế kinh doanh các loại hình dịch vụ, rất khó để thu hút dân cư về đây sinh sống.
Khác với hai trường hợp kể trên, thị trường địa ốc Bình Dương từ năm 2014 được kỳ vọng trở nên sôi động hơn nhờ việc "dời đô” về trung tâm hành chính của Thành phố mới. Vậy nhưng, sau nhiều năm, Thành phố mới Bình Dương đưa vào hoạt động, bài toán đưa dân về khu vực này vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Thành phố mới hiện vẫn khá vắng người ở, dự án bất động sản còn bỏ hoang khá nhiều.
Thực tế cho thấy, hoạt động giao dịch nhà đất ở đây cũng không mấy sôi động, không ít sàn giao dịch hoạt động cầm chừng hoặc phải đóng cửa. Người bán nhiều hơn người mua là thực trạng chung của thị trường Bình Dương sau một thời gian bất động sản tăng tới mức đỉnh điểm vào năm 2007.
Các hạng mục phục vụ cuộc sống an cư ở quanh trung tâm hành chính mới còn chưa đáp ứng kịp nhu cầu của người dân là nguyên nhân khác đẩy tình trạng vắng vẻ của các dự án án bất động sản Bình Dương.
Trên thực tế chỉ có các khu đô thị, nhà liền kề, hộ gia đình bán nhỏ lẻ mọc lên san sát chứ các công trình tiện ích khác như siêu thị, khu công cộng, khu vui chơi giải trí… vẫn còn quá ít.
Trong khi đó, ở nhiều địa phương khác cũng rộ lên tin đồn trung tâm hành chính sẽ được di dời đến nơi khác. Đơn cử, tại Bình Định, môi giới đồn nhau trung tâm hành chính được chuyển tới Khu đô thị mới Nhơn Hội, do đó giá đất nơi đây được đẩy lên cao. Hoặc tại Biên Hòa vừa đề xuất tiếp tục thực hiện hế hoạch di dời trung tâm hành chính về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (năm tại ngã ba Vũng Tàu). Theo đó, giá đất quanh khu vực này lập tức có sự tăng đột biến, giao động trong khoảng 3-5 triệu đồng/m2 nếu ở các trục đường chính (tăng 20% so với năm 2015).
Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Bá Chí Nhân, việc di dời trung tâm hành chính ở nhiều địa phương sau một thời gian dài hoạt động không phải được thực hiện một sớm một chiều mà cần quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động lâu dài.
Nếu thực hiện tốt kế hoạch này sẽ kích thích thị trường địa ốc phát triển, tuy nhiên yếu tố quan trọng hàng đầu là hạ tầng và hệ thống tiện ích nội - ngoại khu phải được đầu tư trước một bước. Chuyên gia này cho rằng: "Nếu chúng ta chỉ di dời mỗi trụ sở chính quyền mà không có kế hoạch đưa dân đến sinh sống thì nơi đó cũng trở thành thành phố ma".
Đồng thời, TS. Lê Bá Chí Nhân khuyến cáo, khách hàng phải hết sức thận trọng vào những chiêu trò quảng bá "ăn theo" của môi giới nhà đất khi họ chỉ mới nghe thông tin hành lang mà chưa được các cấp chính quyền công bố công khai. Người mua bất động sản cần phải tìm hiểu kỹ thông tin này từ các sở ngành liên quan trước khi có ý định đầu tư nếu như không muốn "ngồi khóc trên đống tiền".