Vừa qua, các công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường đã đưa ra những con số phân tích và đánh giá lạc quan về thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhiều chuyên qua nhận định không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào phân khúc biệt thự, căn hộ để cho thuê tại thị trường này.
|
Không nên quá lạc quan vào thị trường BĐS Đà Nẵng |
Vào thời điểm 2006 - 2007, khi bất động sản Việt Nam phát triển "nóng", các nhà đầu tư thứ cấp ở khắp nơi đổ xô về Đà Nẵng với mong muốn sở hữu các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng. Thế nhưng đến nay, đầu tư vào BĐS Đà Nẵng chủ yếu là người có nguồn tiền nhàn rỗi nên họ rất thận trọng. Mục tiêu của các nhà đầu tư này là mua và tiếp tục cho thuê BĐS để tìm lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng.
Ông Nguyễn Minh Quang, một khách hàng ở Hà Nội đã đưa gia đình vào nghỉ mát tại Đà Nẵng 10 ngày, một khoản thời gian khá ngắn nhưng cũng đủ để trải nghiệm thực tế thị trường nhà đất tại thành phố này.
Các nhân viên bán hàng tại các sàn, điểm giao dịch mà ông đến chủ yếu tư vấn những dự án đã hoặc sắp hoàn thiện tại khu vực trung tâm như Đà Nẵng Plaza, Đà Nẵng Takeside, La paz Tower... và đưa ra cam kết về cho thuê từ 1 - 2 năm để đạt được lãi suất khoảng 7%/năm khi sở hữu một căn hộ cao cấp tại đây.
Tuy nhiên, điều mà ông Quang lo ngại là liệu mức 7% này có gánh được tất cả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình cho thuê? Hơn nữa, khi thị trường xảy ra biến động thì việc rút vốn quá khó khăn.
Cũng như ông Quang, các nhà đầu tư tham gia vào thị trường BĐS Đà Nẵng trong thời điểm này cần phải thẩm định một số yếu tố quan trọng như: tốc độ phát triển kinh tế của Đà Nẵng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... Con số thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2014, thu hút FDI của Đà Nẵng đã giảm 70% so với cùng kỳ 2013.
Liệu điều này có tiếp diễn? Vì thu hút FDI thấp sẽ kéo theo nguồn khách hàng có nhu cầu mua nhà, thuê nhà giảm, thị trường kém khởi sắc. Ngoài ra, vụ Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD.981 tại Biển Đông vừa rồi cũng đã tác động đến ngành du lịch Đà Nẵng khiến tâm lý nhà đầu tư BĐS dao động dù trên thực tế vẫn còn yếu tố lạc quan khác là quỹ đất để phát triển dự án tại đây không còn nhiều.
Trong 8 tháng đầu năm, các giao dịch địa ốc tăng lên 31% nhưng chủ yếu do các chủ đầu tư khởi động nhiều chiến dịch bán hàng có khuyến mãi lớn, giảm giá, hoặc tung ra phương thức cam kết cho thuê lại nhà. Cũng cần phải nói thêm là 75% căn hộ tiêu thụ được thuộc các dự án đã hoàn thiện và ở trung tâm dễ cho thuê lại.
Nhiều chuyên gia bất động sản đưa ra dự báo, đến năm 2016, hơn 1.600 căn hộ hạng sang thuộc 6 dự án sẽ cung ứng ra thị trường. Thế nhưng cho đến nay, tốc độ triển khai các dự án này vẫn rất chậm, thậm chí một số chưa khởi công xây dựng. Do vậy, những nhà đầu tư khi đổ tiền vào Đà Nẵng cần cân nhắc các yếu tố tác động đến tính thanh khoản của thị trường và dĩ nhiên phải có cái nhìn dài hạn.