Giới chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những yếu tố kinh tế vĩ mô phát triển ổn định và bền vững.
Trong năm 2015, chỉ số CPI bình quân tăng 0,63%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2001 và thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của các năm gần đây. Trong khi đó, lạm phát thấp cũng đã thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp đã hỗ trợ tích cực cho thị trường địa ốc.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng cải thiện đạt mức 18%, tỷ lệ này cao hơn hẳn mức 12-14% trong những năm 2012-2014.
Tuy mặt bằng lãi suất của Việt Nam tăng nhẹ sau khi Fed quyết định tăng lãi suất vào cuối tháng 12/2015 nhưng môi trường lãi suất tại Việt Nam dự báo sẽ không thay đổi nhiều trong năm 2016 vì hầu hết tác động đã được phản ánh vào mặt bằng lãi suất hiện tại.
Có thể nói, đây là tin vui cho các nhà đầu tư địa ốc vì kết quả khảo sát những năm gần đây cho thấy lợi nhuận từ đầu tư lĩnh vực này đem lại đã cao hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng, trái phiếu hoặc ngoại tệ.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS Việt Nam được hưởng lợi
khi kinh tế vĩ mô bền vững. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)
Theo nhận định của các chuyên gia CBRE Việt Nam, nhờ vào sự liên kết với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng này trong tương lai. Minh chứng là sự tăng trưởng vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam cũng như sự phát triển của các hiệp định về tự do thương mại.
Một khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời, khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như trong khu vực sẽ được tăng cường. Với những yếu tố tích cực này, Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào nhiều hơn.
Trong tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2015 là khoảng 22,7 tỷ USD, kênh đầu tư kinh doanh BĐS chiếm 10,5%, giữ vị trí thứ 3 với 34 dự án đầu tư mới và 12 lượt dự án tăng vốn.
Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Ông Trần Ngọc Quang nhận định, các doanh nghiệp tái khởi động guồng quay của các dự án BĐS trong năm 2015 để mở rộng trong năm 2016. Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và AEC, cơ hội cho các nhà đầu tư sẽ gia tăng và rộng mở hơn nữa. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam gia tăng cũng góp phần thúc đẩy thị trường địa ốc phát triển, đặc biệt là phân khúc nhà ở.