Cơn sốt đất cục bộ tại Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bùng phát mạnh mẽ nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn chỉ trong 1 tuần đã để lại nhiều điều suy ngẫm cho các đối tượng tham gia thị trường bất động sản.
Sốt đất được tạo nên từ dự án trên giấy...
Thông tin về một ông lớn trong ngành bất động sản sẽ đầu tư dự án có quy mô chừng 800ha tại xã Bình Ba xuất hiện hồi đầu tháng 2 đã phần nào tạo sự chú ý cho thị trường nhà đất nơi đây. Ban đầu, lượng người dò hỏi thông tin đất đai còn thưa thớt, nhưng chỉ trong một tuần, số người đổ về khu vực này tìm mua đất bỗng tăng lên chóng mặt, khiến tuyến đường Quốc lộ 56, đoạn qua địa phận xã Bình Ba trở nên náo loạn hẳn. Dù tất cả thông tin về dự án mới chỉ nằm trên giấy nhưng hai bên tuyến đường đã có rất nhiều ô tô mang biển số từ các tỉnh, thành khác như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thậm chí là cả Hà Nội đậu, đỗ để bàn về chuyện mua bán đất.
|
Nhiều người đi ô tô, xe máy đổ về Bình Ba săn đất, tạo cơ hội cho môi giới đẩy giá lên cao. Ảnh: Đình Sơn |
Thực tế trên đã khiến giá đất khu vực Bình Ba tăng lên từng ngày, làn sóng đầu tư bỗng trở nên sôi động hơn hẳn bất chấp những cảnh báo rủi ro được chính quyền đưa ra. Giá đất các khu xung quanh xã Bình Ba cũng liên tục tăng do sự tác động của đội ngũ môi giới.
Kết quả khảo sát của PV cho thấy, giá đất nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 56, đoạn chạy qua xã Bình Ba hay thị trấn Ngãi Giao, giáp đường Mỹ Xuân, tuyến Trần Hưng Đạo đã tăng vọt lên gần 100-200 % chỉ chưa đến một tuần. Mỗi mét ngang đất thổ vườn dọc quốc lộ 56 thời điểm cuối năm 2019 cao nhất là từ 60-100 triệu nhưng hiện đã vọt lên thành 300-400 triệu, riêng đất thổ cư được đẩy lên tới 500-600 triệu.
Khi PV gọi điện hỏi mua đất, một số môi giới khu vực Bình Ba đều khuyên, giá đất nơi đây đang biến động từng ngày, do đó nên nhanh tay xuống tiền mua càng sớm càng tốt. Một lô đất gần 750m2, trong đó chỉ có 180m2 thổ cư nằm ngay mặt tiền đường 56 mới ngày hôm trước được rao giá gần 450 triệu/mét ngang, ngày hôm sau đã được hét lên thành 550 triệu. Trong khi, mỗi mét ngang đất tại khu vực này hồi tháng 11/2019 còn chưa có giá 40-60 triệu đồng.
...nhanh chóng "chết yểu"
Những diễn biến phức tạp của đợt sốt đất cục bộ đã khiến UBND huyện Châu Đức phải ra văn bản thông tin về dự án một cách cụ thể, đồng thời khuyến cáo nhà đầu tư không nên chạy theo tâm lý đám đông, cần phải tìm hiểu kỹ vấn đề pháp lý của bất động sản trước khi xuống tiền để tránh những rủi ro đáng tiếc. Nội dung văn bản cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát hành vi tự ý tổ chức xây dựng hạ tầng, phân lô, tách thửa, bán nền đất trái phép, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quản lý.
Nội dung chỉ đạo kịp thời của chính quyền địa phương đã nhanh chóng làm hạ nhiệt cơn sốt đất ảo trên địa bàn xã Bình Ba. Mặc cho đội quân cò đất vẫn hoạt động hết sức tích cực nhưng vẫn không thể kéo dài thêm cơn sốt, cảnh từng nhóm người tụ tập tranh mua, tranh bán, cảnh xe cộ ra vào tấp nập cũng đã không còn. Khi được hỏi về giao dịch bất động sản tại Bình Ba, đa phần các môi giới đều thể hiện rõ thái độ chán nản, còn người dân cho biết lượng người đổ về đây hỏi mua đất đã giảm tới khoảng 90%. Giới đầu tư có kinh nghiệm gần như đã kịp sang tay các lô đất ngay thời điểm nóng sốt nhất, còn những nhà đầu tư F3, F4 lỡ mua những ngày gần đây vẫn đang phải ôm đất vì không tìm được người sang nhượng.
|
Người tìm mua đất tụ tập dọc các tuyến đường trên địa bàn xã Bình Ba. Ảnh: Đình Sơn |
Dù lượng người mua đất đổ về khu vực Bình Ba là rất lớn, giá đất cũng tăng tới mức phi lý, song lượng hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng và giao dịch đất đai mà Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Châu Đức nhận được lại không hề tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, số hồ sơ đất đai giải quyết mà văn phòng nhận được từ đầu năm đến nay chỉ là 504 hồ sơ, giảm 21 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu này chứng tỏ một điều rằng, các giao dịch đất đai trên tại khu vực Bình Ba trong thời gian qua đa phần được thực hiện bằng giấy viết tay, chủ yếu là lướt sóng kiếm lời chứ không có nhiều người mua thực.
Những lý do khiến cơn sốt đất Bình Ba nhanh chóng lụi tàn
Theo chuyên gia BĐS Phan Công Chánh, sở dĩ cơn sốt đất cục bộ tại khu vực Bình Ba rơi vào tình trạng "chết yểu" là do 4 nguyên nhân chính dưới đây:
Đầu tiên, nguyên nhân tạo nên cơn sốt xuất phát từ thông tin về một dự án lớn sẽ được triển khai trên địa bàn mới chỉ nằm trên giấy, tức trong giai đoạn sơ khai, chưa thực sự rõ ràng. Do đó, yếu tố để thổi giá thiếu tính bền vững, không tác động mạnh đến đa số các nhà đầu tư nên khó giữ được sức hút về lâu dài.
Tiếp đến, mục đích chính của các đối tượng thực hiện giao dịch chủ yếu là lướt sóng nhanh kiếm lời, không có nhiều người mua thực, tạo nên cơn sốt ảo, đẩy giá bán tăng đến mức phi lý. Và khi cơn sốt đất không xuất phát từ sự chuyển biến hạ tầng, từ sự phát triển kinh tế xã hội thì cũng như bong bóng bị thổi phồng ắt sẽ nhanh vỡ.
Thứ nữa, Bình Ba là khu vực gần như không có nhiều lợi thế nổi bật cả về vị trí địa lý lẫn yếu tố hạ tầng…, trong khi cơn sốt cục bộ chủ yếu đến từ tác động của một dự án chưa được hình thành nên khó có thể bền vững.
Cuối cùng, trải qua những bài học xương máu từ nhiều đợt sốt đất trước kia, giới đầu tư ngày càng tỉnh táo hơn, có kinh nghiệm hơn trước những chiêu tạo giá ảo, do đó không phải người mua nào cũng liều lao vào cơn sốt. Thêm vào đó, sự vào cuộc nhanh chóng của báo chí cũng như chính quyền địa phương đã góp phần làm cơn sốt được hạ nhanh hơn.
Chuyên gia Phan Công Chánh cho biết thêm: “Hiện tại, hệ lụy từ cơn sốt đất sớm nở tối tàn này vẫn chưa thể hiện rõ, nhưng với tình trạng giá đất tăng mạnh, nhiều người liều lĩnh đổ tiền lướt sóng, thậm chí vay vốn nóng đầu tư nhảy cóc theo nhà đất, một khi thị trường bình ổn, nếu không có tài chính trụ vững lâu dài, việc đổ nợ là điều khó tránh”.