Chủ đầu tư dự án 31 Lê Duẩn, quận 1 vừa gửi công văn đến UBND TP.HCM để
phản hồi kiến nghị của Sở TN&MT về việc thực hiện dự án của công ty
này. Bên cạnh, một chủ đầu tư khác cũng gửi đơn kiến nghị về việc cấp
phép đầu tư cho công ty trên, đề nghị phải hủy bỏ dự án.
Bị phê “chậm tiến độ, cần thu hẹp diện tích”
Theo Công ty CZ Slovakia Việt Nam, công ty được cấp phép đầu tư tòa nhà
Slovakia - Việt Nam tại khu đất 31 Lê Duẩn, quận 1, được giới hạn bởi ba
tuyến đường Lê Duẩn - Lê Văn Hưu - Nguyễn Du. Dự án đang trong giai
đoạn triển khai thì ngày 29-4 vừa qua công ty “nhận được thư mời và công
văn dự thảo các kiến nghị của Sở TN&MT gửi UBND TP” với những nội
dung hết sức bất ngờ.
Công ty CZ Slovakia Việt Nam cho biết tại dự thảo công văn trên, Sở
TN&MT nhận xét dự án trên đã bị trễ tiến độ so với quy định tại giấy
chứng nhận đầu tư, do đó cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có quyền
quyết định chấm dứt thực hiện dự án. Do tiến độ dự án không được đảm bảo
nên Sở TN&MT cho rằng phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về
tiến độ và thời gian thực hiện dự án. Sở cũng kiến nghị TP giao Sở Quy
hoạch Kiến trúc phối hợp với UBND quận 1 và các sở, ngành liên quan
hướng dẫn công ty lập lại dự án đầu tư trên khu đất sẵn có của Liên hiệp
Các tổ chức hữu nghị TP.HCM (là 1.700 m2) mà “không nên mở rộng thu hồi
đất như quy mô trước đây nhằm tránh phát sinh khiếu kiện phức tạp”
(hiện nay là 4.033 m2).
Khu đất vàng số 31 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM. (Ảnh chụp chiều 2-6) Ảnh: HTD |
Được biết dự án trên cũng đang bị khiếu nại từ Công ty BĐS Diệp Bạch
Dương. Công ty này cho rằng dự án 31 Lê Duẩn đã hết hiệu lực thực hiện
vì vi phạm tiến độ trong giấy chứng nhận đầu tư và đề nghị phải hủy bỏ
dự án. Công ty này phản ánh ban đầu (năm 2008) dự án trên chỉ có diện
tích là 1.700 m2 là diện tích đất của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị
TP.HCM với chức năng quy hoạch là văn phòng, khu công sở, cơ quan nghiên
cứu mà không có kinh doanh căn hộ, nhà hàng khách sạn, trung tâm thương
mại. “Tuy nhiên, sau khi phê duyệt thì dự án lại được điều chỉnh mở
rộng lên hơn 4.000 m2 và bổ sung những công năng thương mại mà theo phê
duyệt lần đầu là không được phép” nên phải thu hồi thêm nhà đất của 15
hộ dân và bảy tài sản hợp pháp của Công ty Diệp Bạch Dương. Công ty Diệp
Bạch Dương cho biết không chấp nhận giao đất vì dự án thương mại thì
phải thỏa thuận bồi thường. Đồng thời công ty kiến nghị dự án phải đấu
thầu công khai để bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Công ty cũng đề nghị
được thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt vì đã có sẵn tài sản là
đất tại đó.
Chủ đầu tư phản đối kiến nghị
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty CZ Slovakia Việt Nam khẳng định không có
việc dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ. Mặt khác, nếu có chậm thì
cần xét nguyên nhân thuộc về bên nào, nhà đầu tư hay cơ quan cấp phép.
Công ty cho biết đúng là trước đây dự án có tiến độ thực hiện như văn
bản dự thảo của Sở TN&MT nêu, tuy nhiên ngày 19-11-2013, TP đã cho
phép điều chỉnh lại về thời gian. Ngoài ra, Bộ TN&MT đã từng khẳng
định dự án trên thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. “Theo yêu cầu của TP
thì các cơ quan liên quan phải hoàn tất việc bồi thường giải phóng mặt
bằng và bàn giao mặt bằng trống cho công ty chậm nhất là cuối tháng
5-2014. Tuy nhiên, công ty chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy việc
này được giải quyết đúng hẹn” - chủ đầu tư trên bày tỏ.
Về kiến nghị thu hẹp phạm vi thực hiện dự án, Công ty CZ Slovakia Việt
Nam cũng không đồng ý vì từ lúc được chấp thuận dự án đến nay công ty đã
tốn nhiều chi phí để thuê thiết kế tòa nhà, mua căn hộ chuẩn bị tái
định cư, tham gia đóng góp tích cực cho việc thực hiện dự án. Nếu phải
thực hiện lại thì thiệt hại vô cùng lớn và có nhiều hệ lụy tiêu cực.
Công ty cho hay tại các văn bản chấp thuận dự án từ trung ương đến địa
phương lâu nay đều chấp thuận diện tích thực hiện dự án là 4.033 m2.
Cũng theo công ty này, trước đó Sở TN&MT đã từng có văn bản hỏi Bộ
TN&MT về việc thu hồi phần đất này và được Tổng cục Đất đai chấp
thuận. Từ đó, công ty này “hoàn toàn phản đối kiến nghị của Sở
TN&MT, giữ nguyên kế hoạch thực hiện dự án hiện tại”. Kèm theo phản
hồi, chủ đầu tư trên đề nghị TP xem xét lại các kiến nghị của Sở
TN&MT, đồng thời cho hay “sẽ cân nhắc việc rút lui khỏi dự án và
tiến hành các động thái cần thiết để yêu cầu hoàn trả các chi phí mà
công ty đã bỏ ra kể từ khi khởi động dự án đến nay”.
“Chỉ mới là dự thảo”
Trước phản hồi của Công ty SZ Slovakia và kiến nghị của Công ty Diệp
Bạch Dương đối với dự án 31 Lê Duẩn, lãnh đạo UBND TP đã có yêu cầu các
sở, ngành và UBND quận 1 rà soát pháp lý và tình hình thu hồi đất để báo
cáo TP gấp.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở TN&MT cho hay theo
ông được biết công văn gửi TP mà chủ đầu tư viện dẫn chỉ mới là bản dự
thảo của sở, chưa chính thức yêu cầu thu hồi chấm dứt hay thu hẹp phạm
vi dự án để công ty này phải phản hồi và khiếu nại. Phó Chủ tịch UBND
quận 1, ông Lưu Trung Hòa, cho hay dự án 31 Lê Duẩn đúng là đã được
khẳng định “thuộc diện Nhà nước thu hồi đất”. Về tình hình bồi thường
giải tỏa, quận đang trình TP phương án về giá bồi thường trên cơ sở thuê
đơn vị thẩm định giá. “Sau khi có giá bồi thường thì mới ban hành quyết
định thu hồi đất. Quá trình này đòi hỏi phải vận động thuyết phục người
dân nên phải mất thời gian” - ông Hòa trả lời khi được hỏi khi nào công
tác bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn tất.
Theo Pháp luật TP