Năm 2015: Mặt bằng bán lẻ chông chênh

  27/02/2015 - 08:29

Không như kỳ vọng từ vài năm trước rằng thị trường bán lẻ tại Việt Nam là một "miền đất hứa". Hiện nay, hoạt động của hàng loạt trung tâm thương mại đang gặp rất nhiều khó khăn.

TTTM
TTTM vắng khách đến mua sắm (Nguồn: Internet)

TTTM chao đảo vì khó khăn

Trong một vài năm qua, cùng với sự gia nhập của các thương hiệu mới vào Việt Nam, các trung tâm thương mại (TTTM) cũng không ngừng tăng lên. Mặc dù vậy, trong khoảng hơn 4 năm qua, thị trường bán lẻ tại Việt Nam dù đã có những bước phát triển tuy nhiên vẫn gặp rất nhiều khó khăn, làm cho hoạt động của các TTTM chao đảo. Trên thực tế, văn hóa tiêu dùng của người Việt vẫn coi trọng việc mua sắm ở chợ truyền thống hơn là vào siêu thị, TTTM.

Đặc biệt, dù nhiều TTTM đã đưa ra đủ các “chiêu” nhằm thu hút khách đến mua sắm lẫn khách thuê mặt bằng, tuy nhiên kết quả mang lại không được như kỳ vọng. Số lượng khách hàng đến mua sắm ở các siêu thị và TTTM đặc biệt là ở các TTTM hạng sang ngày càng giảm, cùng với đó là tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ tại các TTTM gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân này khiến những TTTM phải cơ cấu lại gian hàng, có trường hợp đáng tiếc là phải đóng cửa vì hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài ngày càng tăng.

Điển hình, tại Hà Nội, hoạt động của các TTTM gặp rất nhiều khó khăn như: TTTM Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng) sau thời gian hoạt động được hơn 4 năm đã liên tục phải tái cơ cấu nhằm thu hút cả khách thuê gian hàng lẫn người mua hàng. Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh tại TTTM vẫn khó tăng, bởi không có khách nên các gian hàng buộc phải dời đi. TTTM này phải đóng cửa vào năm 2013.

Thông tin đáng ngạc nhiên nhất trên thị trường bán lẻ trong thời gian qua là TTTM Parkson Landmark (đường Phạm Hùng) tuyên bố đóng cửa khi khách thuê vẫn duy trì tỷ lệ lấp đầy 100% diện tích mặt bằng và khách đến mua sắm bình thường. Nguyên nhân được đơn vị quản lý hé lộ là vì trong 3 năm hoạt động, TTTM này chưa năm nào đạt được kết quả như kỳ vọng.

Chưa hết, tại TTTM Lotte Center (Liễu Giai), nơi từng được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm mua sắm, giải trí thu hút được sự chú ý của người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, sau thời gian đi vào hoạt động được vài tháng, TTTM này lâm vào tình cảnh đìu hiu.

Các chuyên gia cho rằng, TTTM trong thời gian qua phải đóng cửa là bởi thị trường bán lẻ chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn và trung hạn, đáng chú ý là thói quen tiêu dùng của người dân vẫn quen với việc mua sắm ở chợ truyền thống hơn là vào siêu thị, TTTM.

Tran hòa nguồn cung

CBRE Việt Nam cho biết, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại hai thị trường lớn là Hà Nội và Tp.HCM vẫng đang trong quá trình tăng trở lại và sẽ duy trì đà này trong năm 2015. Cụ thể, dự kiến đến cuối năm nay, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại 2 thành phố này có thể đạt 1,5 triệu m2. Theo đó, đến cuối năm 2015, Hà Nội sẽ có khoảng 900.000m2 diện tích bán lẻ tại TTTM còn tại Tp.HCM là 600.000m2.

Ngoài ra CBRE còn cho biết, năm 2015, tại Tp.HCM sẽ có thêm ít nhất 5 dự án TTTM mới, đặc biệt là dự án Mega Mall của Tập đoàn Vingroup và dự án SC Vivo City của Công ty cổ phần Phát triển khu phức hợp thương mại Vietsin (VCCD).

Đối với giá cho thuê, theo khảo sát của CBRE Việt Nam, tại Tp.HCM khoảng 100 USD/m2 với các TTTM ở khu vực trung tâm và 40 USD/m2 với những vị trí ngoại thành.

Theo một số công ty nghiên cứu thị trường BĐS tại Việt Nam như CBRE, Savills, Cushman & Wakefield, công suất cho thuê mặt bằng bán lẻ  đạt khoảng 80-90% tại các TTTM. Tỷ lệ này cho thấy, còn ít nhất 10% mặt bằng bán lẻ nữa tại các TTTM lớn đang ế khách thuê.

Chưa hết, mặt bằng bán lẻ không chỉ xuất hiện ở các TTTM lớn mà còn xuất hiện ở hầu hết các tòa cao ốc, các chung cư khi các tòa nhà này đều dành các tầng trệt làm mặt bằng cho thuê bán hàng.

(Theo Tạp chí tài chính Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu