Tuy vẫn thuộc chương trình hỗ trợ nhà ở nhưng các khoản giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ phải chịu lãi cao ít nhất là gấp đôi so với mức ưu đãi 5% hiện nay.
Sắp tới, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ chính thức dừng vào 1/6, đúng 36 tháng sau khi được triển khai nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản và giúp người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà giá rẻ. Ưu đãi lớn nhất là lãi suất (không quá 6%/năm, chỉ bằng một nửa mức vay thương mại thông thường) cũng kết thúc theo. Theo đó, các khoản giải ngân diễn ra sau ngày gói 30 nghìn tỷ 'chốt sổ' cũng phải chịu mức lãi suất mới.
Trú tại Thanh Xuân, Hà Nội, anh Vũ vay gần 700 triệu đồng qua một ngân hàng thương mại Nhà nước để mua nhà từ gói 30 nghìn tỷ đồng. Song, hiện nhà chưa bàn giao và theo tiến độ nộp tiền của chủ đầu tư thì đến sau 31/5 tới, anh vẫn còn một đợt giải ngân trên 250 triệu đồng.
Anh Vũ chia sẻ: "Ngân hàng cho biết khoản 250 triệu này được giải ngân sau thời điểm chốt sổ của gói 30 nghìn tỷ nên không được hưởng lãi suất 5%. Lãi suất sẽ theo thỏa thuận với ngân hàng. Theo tôi, ít nhất mức lãi suất này gấp đôi. Vậy thì còn đâu là gói vay ưu đãi nữa".
Người vay gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng sẽ chịu lãi suất cao sau 1/6/2016.
Hiện tại, nhiều khách hàng cá nhân khác cũng cảm thấy thiệt thòi khi không được hưởng lãi suất ưu đãi trong suốt quá trình vay. Nhiều người cho hay, không được nhân viên ngân hàng lưu ý việc này khi bắt đầu làm thủ tục vay mua nhà.
Những ngân hàng thương mại lớn như BIDV, VietinBank, Agribank đều cho biết lãi suất của khách hàng được ưu đãi hay không căn cứ vào thời điểm giải ngân khoản vay chứ không phải ngày ký hợp đồng.Một đại diện cho biết: "Tuy khách hàng bắt đầu ký gói 30 nghìn tỷ đồng từ trước 01/06/2016 nhưng nếu khoản tiền được giải ngân sau ngày này thì sẽ theo lãi suất thỏa thuận với ngân hàng. Quy định này đã được nêu rõ trong Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước".
Mặt khác, tất cả các nhà băng đều khẳng định đã thông báo rất rõ cho từng khách hàng về quy định này. Theo một lãnh đạo phòng giao dịch: "Nhiều khách hàng biết nhưng họ vẫn tham gia bởi vẫn được tính lãi suất ưu đãi cho các khoản giải ngân trước 1/6/2016".
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), ông Nguyễn Tiến Đông cũng xác nhận thông tin trên. Điều 2 Thông tư 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về cho vay gói 30 nghìn tỷ đồng đã nêu rõ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại sẽ kết thúc khi gói này giải ngân hết hoặc không quá 36 tháng, ông Đông cho biết.
Thế nhưng, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng, Ngân Nhà nước nên có điều chỉnh lập tức để tất cả hợp đồng tín dụng được hưởng trọn vẹn ưu đãi. Bằng không, không ít khách hàng sẽ gặp phải bẫy lãi suất bởi kế hoạch tài chính thay đổi khi lãi vọt lên cao. Hứa hẹn lãi suất thấp rồi khi gói này ngừng là lãi suất lại bật lên thì không ổn.
Không riêng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp là chủ đầu tư nhà ở xã hội, loại hình nhà thương mại giá rẻ cũng được vay với lãi suất ưu đãi theo gói 30 nghìn tỷ đồng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân gói ưu đãi đến khi kết thúc.
Theo số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, gói 30 nghìn tỷ đồng đã 'tiêu hết' 90%, tuy nhiên đây mới là con số 'cam kết giải ngân'. Trên thực tế, số tiền chi trả cho người vay và doanh nghiệp hiện mới khoảng 60% của gói tín dụng này.
Vậy nhưng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết không thể có ngoại lệ bởi gói 30 nghìn tỷ đồng chỉ là chương trình hỗ trợ mang tính tạm thời, đưa ra nhằm khơi thông thị trường bất động sản đang 'đóng băng'. Ông Đông cho hay: "Sở dĩ gói 30 nghìn tỷ phải kèm một điều kiện về thời gian là để khuyến khích khách hàng và chủ đầu tư thực hiện các giao dịch trong thời gian này nhằm khơi thông cho thị trường địa ốc".
Gói 30 nghìn tỷ đồng kết thúc không có nghĩa là người thu nhập thấp hết cơ hội vay mua nhà giá rẻ bởi gói tín dụng này chỉ mang tính tình thế, còn giải pháp dài hơi là người thu nhập thấp có thể vay mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn cụ thể cho 4 ngân hàng lớn đứng ra cho vay các trường hợp này rồi, ông Đông cho biết thêm.