Việc vay vốn ngân hàng để mua nhà ở không thực sự khó khăn như suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, để hồ sơ vay vốn của bạn được chấp thuận, bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây.
Vay tiền ngân hàng để mua nhà đất là lựa chọn của rất nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ vốn có dòng tài chính hạn hẹp. Hồ sơ vay vốn của bạn sẽ trở nên đơn giản, thuận tiện hơn khi thực hiện đầy đủ, cẩn thận tất cả các bước theo quy định.
1. Vay mua nhà cần những điều kiện gì?
Mỗi ngân hàng sẽ có một điều kiện cho vay mua nhà đất khác nhau. Song, có những tiêu chuẩn chung bắt buộc mà tất cả các ngân hàng đều áp dụng nhằm đánh giá mức độ rủi ro của suất vay cũng như khả năng thanh toán của người được vay. Cụ thể:
- Người vay phải có sẵn khoản tiền tương đương với 20-30 % giá trị bất động sản sẽ mua. Đảm bảo nguồn thu nhập ổn định để sau khi trừ đi tất cả các khoản phí sinh hoạt vẫn đủ khả năng để trả được cả gốc lẫn lãi vay hàng tháng.
Việc vay mua nhà ở sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn cẩn trọng trong từng bước thực hiện hồ sơ
vay mua.
- Độ tuổi của người đi vay là từ đủ 18 tuổi trở lên và không quá 65 tuổi tính đến thời điểm kết thúc khoản vay.
- Tài sản thế chấp cho khoản vay. Đây thường là tài sản thuộc quyền sở hữu của người đi vay hoặc là bên thứ ba, đó có thể là chính nhà đất mà người vay định mua, bất động sản bất kỳ độc lập với khoản vay hoặc loại tài sản khác có đủ giá trị để dùng làm tài sản thế chấp.
- Người vay phải đảm bảo có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú cùng khu vực với ngân hàng vay vốn.
2. Về các thủ tục vay mua nhà
Việc nhà băng giải ngân khoản vay nhanh hay chậm phụ thuộc khá lớn vào khâu chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục, hồ sơ của người đi vay. Do đó, người đi vay cần chủ động trong việc nắm bắt hồ sơ thủ tục vay mua nhà và thực hiện cẩn thận, chu đáo từ những bước nhỏ nhất. Dưới đây là 3 thủ tục chắc chắn đều phải thực hiện khi làm hồ sơ vay vốn ngân hàng:
- Các loại giấy tờ liên quan đến bản thân người đi vay
+ Chứng minh thư nhân dân (phải đủ 2 mặt, hình ảnh, thông tin còn rõ ràng, không quá 15 năm kể từ ngày cấp, )/Căn cước công dân/hộ chiếu (bản sao có công chứng).
+ Sổ hộ khẩu/Giấy, sổ tạm trú của người vay và của người hôn phối, người bảo lãnh (nếu có).
+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
- Giấy chứng minh thu nhập
+ Hợp đồng lao động/Quyết định công tác hoặc thư xác nhận từ người sử dụng lao động (bản gốc).
+ Sao kê tài khoản trả lương qua ngân hàng/Bảng lương/Phiếu nhận lương 3 tháng gần nhất (6 tháng đối với người có thu nhập từ hoa hồng bán hàng/nhân viên kinh doanh).
+ Các loại giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập khác như: sổ đỏ nhà cho thuê/giấy tờ mang đên người cho thuê xe...
- Các loại giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản thế chấp là nhà đất (phô tô công chứng). Nhiều ngân hàng sẽ căn cứ vào diện tích cũng như vị trí nhà đất để đưa ra mức cho vay cụ thể. Theo đó diện tích càng lớn, vị trí tốt thì khoản vay cũng càng cao hơn.
+ Tài sản thế chấp là chính nhà đất định mua sẽ cần các loại hồ sơ giấy tờ như: Hợp đồng mua bán, hợp đồng đặt cọc, bảng báo giá …
+ Tài sản thế chấp là phương tiện vận tải thì cần hợp đồng mua bán, hóa đơn…
+ Tài sản thế chấp là các loại giấy tờ có giá trị như: hợp đồng tiền gửi, số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng hoặc kỳ phiếu, trái phiếu, tín phiếu của ngân hàng phát hành, sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi.
3. Vay mua nhà cần lưu ý gì?
Đầu tiên là cần một nhân viên tư vấn tài chính để phân tích cho người vay nắm rõ được về nhu cầu cũng như định hướng gói vay phù hợp. Ngoài ra, tư vấn viên này còn là người sẽ hỗ trợ bạn thực hiện khoản vay từ A đến Z, giúp quá trình vay vốn của bạn được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người đi vay có thể phó thác hết mọi việc cho tư vấn viên. Trên thực tế, đã có không ít các vụ tư vấn viên giả mạo thông tin, hồ sơ khách hàng để vay, lừa tiền ngân hàng, khiến người vay phải chịu một khoản nợ từ trên trời rơi xuống và phải mất một thời gian dài với hàng loạt các thủ tục rắc rối mới có thể xóa được.
Tiếp đến là không nên vay quá nhiều, bởi gánh nặng trả nợ của bạn sẽ lớn cùng với giá trị khoản vay. Nếu khoản nợ vượt quá tầm kiểm soát thì người mua sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, rủi ro như vướng nợ xấu, khoản nợ sẽ càng lớn thêm dẫn đến gây khó cho cuộc sống… Do đó, các chuyên gia tài chính khuyên bạn tốt nhất chỉ nên vay ở mức 50% giá trị bất động sản định mua là tốt nhất. Với khoản tiền còn lại, nếu không có khoản tích cóp từ trước thì nên đi vay mượn từ bạn bè, người thân để không phải chịu áp lực trả lãi. Điều cần lưu ý nữa là nên lựa chọn bất động sản có giá trị nằm trong khả năng chi trả của mình để tránh dẫn đến tình trạng việc mua nhà là một cơn ác mộng trong cuộc đời của bạn.