Đối với thị trường nhà ở, nguồn cung được dự báo tăng mạnh từ nay đến cuối năm 2015. Giám đốc khối dự án Savills tại Việt Nam ông Dương Đức Hiển cho rằng, hiện cung chỉ nhiều trong ngắn hạn, nếu tính về dài hạn chỉ tạm đủ để cung ứng cho nhu cầu thực.
Ông nhận định như thế nào về việc ngày càng nhiều dự án bất động sản (BĐS) tại Tp.HCM và Đà Nẵng được chủ đầu tư chào bán ở Hà Nội?
Trên thực tế, khách hàng Hà Nội chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các dự án BĐS tại các TP này, cụ thể, chiếm khoảng 1/3 thị trường Tp.HCM và chiếm tới 70-80% thị trường Đà Nẵng.
Thông thường, các nhà đầu tư Tp.HCM sẽ tung sản phẩm chào bán tại địa bàn trước, rồi mới tiếp cận những khách hàng ở xa hơn, trong đó Hà Nội là thị trường tiềm năng nhất.
Nguồn cung thị trường nhà ở chỉ nhiều trong ngắn hạn, nếu tính về dài hạn
chỉ tạm đủ để đáp ứng cho nhu cầu thực.
Tại Đà Nẵng và Tp.HCM, một số dự án đang chuyển đổi đổi công năng, chẳng hạn như, trong dự án khu biệt thự phố Galleria - Nam Sài Gòn, Kiến Á đã thay đổi quy mô sân golf từ 36 lỗ xuống 18 lỗ để dành tỷ lệ lớn hơn cho nhà ở. Ông nhìn nhận như thế nào về sự chuyển đổi này, thưa ông?
Có thể nói, đây là chiến lược của từng chủ đầu tư. Môn thể thao golf ở Việt Nam vừa mới phát triển, do đó chỉ một số sân golf kinh doanh có lãi, số còn lại doanh thu chỉ đủ trang trải chi phí.
Trên thực tế, BĐS nằm trong sân golf thường được thiết kế ở vị trí rất đắc địa, gần biển, gần núi với cảnh quan thiên nhiên đẹp. Mặt khác, các chủ đầu tư thường hướng đến các sản phẩm có tính thương mại cao và đưa thêm các dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch để đảm bảo tăng nguồn thu.
Trên thế giới, mô hình này đã phát triển từ lâu, nhưng tại Việt Nam nó vẫn mới và chưa được nhìn nhận đúng về giá trị của biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự sân golf.
Nếu như các dự án BĐS tại Hà Nội không có nhiều khách hàng từ Tp.HCM thì ngược lại, những dự án lớn ở Sài Gòn được khách hàng Hà Nội rất quan tâm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Hiện thị trường địa ốc tại 2 thành phố lớn này đều có đặc thù riêng. Quận 2, Tp.HCM đang nổi lên như một hiện tượng về BĐS, khu vực này được đầu tư từ cơ sở hạ tầng đến quy hoạch kiến trúc rất đồng bộ và chỉn chu. Hiện hầu hết các chủ đầu tư đầu tư ngày càng nhiều vào cảnh quan cũng như các dịch vụ tiện ích cho dự án.
Những động thái tích cực đó đã kéo được người về ở và thu hút được lượng lớn khách hàng là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam thuê lại nhà để ở. Điều này đã tạo nên niềm tin cho nhà đầu tư, khách hàng cảm thấy yên tâm hơn khi dự án được đầu tư bài bản.
Phần lớn các BĐS tại Hà Nội đều phát triển theo hướng các chủ đầu tư tìm vị trí đẹp để đầu tư. Trong khi đó, các chủ đầu tư không quan tâm đến cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích, môi trường xung quanh nên không thu hút được sự quan tâm của người mua.
Cùng đó, sự suy thoái kinh tế đã làm xu hướng phát triển BĐS ở phía Tây Hà Nội chậm lại, khiến nhiều khu đô thị không có người ở.
Để đảm bảo nguồn thu, không ít dự án đang tìm mọi cách thu hút khách hàng, song chỉ một số dự án như Timecity, Vinhomes, Ecopark,... là đưa được người về ở bởi họ chịu đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ an sinh cho cư dân.
Ông nhận định thế nào về tiến độ bán hàng hiện nay? khi nguồn cung nhà ở vào nửa cuối năm 2015 được dự báo là rất lớn?
Trong 6 tháng cuối năm nay, guồn cung nhà ở nhiều nên tạm thời làm cho tỷ lệ giao dịch giảm nhẹ. Vậy nhưng, cung nhiều chỉ trong ngắn hạn, nếu tính về dài hạn nguồn cung này chỉ gọi là tạm đủ để cũng ứng cho nhu cầu thực.
Nguyên nhân là, khi thị trường mất cân bằng giữa cung và cầu, thì bao giờ cũng dẫn đến hiện trạng các giao dịch trên thị trường diễn biến chậm lại hoặc bị đình trệ, tuy nhiên sau đấy thị trường hấp thu dần dần và giao dịch trở lại.