Nhà cho thuê bình dân: Cầu cao trong cung tự phát

  29/08/2014 - 05:10

. Nhà cho thuê bình dân, dù bị. "chèn ép" mọi quyền lợi, khách hàng vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", vì. chen được một chân để tá túc ở Thủ đô đã là quá may mắn..

Cơ cấu dân số các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM hàng năm đều chứng kiến sự gia nhập ngày một cao của bộ phận sinh viên, người lao động ngoại tỉnh đến sinh sống, học tập và làm việc. Theo đó, rất nhiều người có nhu cầu thuê nhà để ở. Trong khi quỹ đất ở đô thị không thể "nở" ra, nhu cầu tìm được một căn nhà nhỏ giá bình dân, hay một căn chung cư diện tích và giá vừa túi tiền trở nên vô cùng khó khăn trước quá nhiều nghịch lý của thị trường ở Hà Nội.

Đành "nhắm mắt đưa chân"

Tìm tới một số địa bàn có nhà trọ giá rẻ nhất nhì Hà Nội như: làng Triều Khúc, làng Phùng Khoang, khu Dịch Vọng, khu Xuân La, Định Công, Cầu Diễn, Trần Cung… đều kín người thuê, rất khó để kiếm được phòng trọ có giá vừa phải, nhất là vào mùa khai giảng nhập học của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ở Hà Nội. Đầu tháng 9/2013, ở làng Phùng Khoang, một phòng trọ cấp 4 diện tích 10m2, chung vệ sinh, để xe ngoài sân, cửa gỗ, trần xốp, nền lát gạch hoa Trung Quốc, 1.000.000-1.200.000 đồng/tháng (tương tự vậy, tháng 9/2012, có giá 700-900.000 đồng/tháng).

Đáng chú ý, mặc dù hàng năm, có rất nhiều phòng trọ được xây mới liên tục nhưng chất lượng lại quá kém. Rất nhiều căn hộ xây dựng cẩu thả, tường trát qua quýt, xuống cấp trầm trọng, cảnh người thuê hứng nước mưa ngay trong phòng là "chuyện thường ngày ở huyện" (!) Một nhà vệ sinh dùng chung cho cả dãy nhà trọ, tạm bợ, nhưng vẫn luôn đắt khách.

"Phòng trọ thì chật hẹp, chỉ khoảng 8m2, giá thuê tới 800 nghìn đồng, những phòng 10 m2 thì ít nhất cũng phải 1 triệu. Điện thì vừa tăng lên 4.000 đồng/số, nước giếng khoan 50.000 đồng/tháng. Chẳng biết bao giờ mới tìm được một chỗ trọ ra hồn nữa", chị Lan từng nhiều năm thuê nhà than thở.



Được biết, giá phòng trọ cho sinh viên thuê hiện nay ở Hà Nội trung bình khoảng 1,5 triệu 1 phòng 2 người ở, chưa kể tiền điện nước tính theo giá nhà chủ quy định.

Trong thời buổi "bão giá", thu nhập của một người lao động bình dân khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng để thuê được một phòng trọ ở xa trung tâm thành phố từ 8-15 km, có giá 600-800.000 đồng/tháng. Căn nhà được coi là tươm tất, khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Cần có vai trò quản lý

Anh Nguyễn Hải, quê Nam Định, một người lao động ổn định ở Hà Nội chia sẻ: "Một năm trước, tôi phải mất gần tháng trời tìm kiếm mới thuê được căn nhà 11m2, với giá 1,2 triệu đồng".

Chị Son, làm việc ở Công ty May 10 giãi bày: "Mất tiền triệu cho trung tâm môi giới ở đường Láng mà tôi chỉ được họ dẫn đi loanh quanh vài căn phòng tồi tàn trong ngõ ngách, hoặc rất đẹp nhưng ngoài khả năng của tôi, nhưng phải mất tiền "chỉ trỏ". Hỏi ra mới biết, mấy anh chị cùng cảnh cũng ăn "quả đắng" như tôi.

Trong khi quỹ đất dành cho việc xây nhà trọ ở Thủ đô ngày càng eo hẹp thì nhu cầu thuê nhà lại càng "nở" ra. Bất cứ một thông tin "cho thuê nhà đất" nào hở ra, ngay lập tức trên một số trang web về nhà đất và trung tâm môi giới "xào xáo" lại, biến thành quảng cáo của mình. Để lôi kéo khách, một số trung tâm sẵn sàng lấy danh nghĩa là chủ nhà cho thuê hoặc cần bán. In, rải tờ rơi quảng cáo nhà cho thuê với danh nghĩa chính chủ, kèm theo số điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ cụ thể, thậm chí còn rao miễn trung gian trên báo Mua & Bán. Thậm chí, cá biệt còn có trung tâm "bắt tay" với chủ nhà, "mượn" tạm một căn để dẫn khách tới xem và thản nhiên thu tiền môi giới.

Bên cạnh đó, còn nỗi khổ "kinh niên" của người thuê trọ là những điều kiện "tùy hứng" của chủ nhà. Theo anh Trần Đình, phóng viên một tờ báo ở Hà Nội, biết là chủ nhà o ép giá đủ kiểu (từ điện, nước, vệ sinh tới tiền để xe), nhưng buộc phải cố gắng vì tìm "đỏ mắt" cũng khó có nhà thuê ở gần cơ quan.

Giá điện thông thường để sử dụng chỉ có 2.000 đồng/số, nhưng người thuê nhà phải trả 3.000 đồng thậm chí 4.000 đồng. Tiền nước, tiền phí vệ sinh cũng vậy, chủ nhà luôn tự đội giá lên. Bi hài hơn, một nhà trọ 5 tầng, mỗi tầng 6 phòng ở khu Cầu Lủ (Định Công, Hà Nội) thu tiền internet 100.000 đồng/phòng/tháng, với một đường mạng chung cho tất cả các phòng. Tính sơ sơ, riêng tiền internet, chủ nhà thu lợi tới 3 triệu đồng so với chi phí lắp đặt ban đầu khoảng 500-700.000 đồng.

Không chỉ vậy, ông Sơn, chủ khu trọ gần 40 phòng cấp 4 trong Phùng Khoang đặt ra cái "lệ": không cho người thuê khép cửa phòng khi bạn bè khác giới vào chơi. Một kiểu khác, chủ nhà "cấm" tổ chức sinh nhật trong phòng, đặc biệt là không tụ tập bạn bè vượt quá 3 người.

Đã có những đề xuất về vai trò cơ quan chức năng với các biện pháp quản lý giá cả nhà trọ, ấn định mức trần, khung giá tương ứng với từng loại nhà trọ…; hoặc phối hợp với các trường học, qua đó nắm rõ giá cả nhà trọ mà các sinh viên đang thuê, có biện pháp xử lí với những nhà trọ cho thuê với giá cả bất hợp lí. Tuy nhiên, đây chỉ là đề xuất mang tính tham khảo, vì quan hệ giữa chủ nhà – khách thuê là dân sự, thuận mua vừa bán, thậm chí không hợp đồng thuê nhà, thì quá khó và không đủ cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng thực hiện vai trò của mình.
Theo Thời báo Kinh doanh

 

(Theo )

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu