Mới đây, ông Vũ Thế Cường (sinh năm 1992) đăng ký mua toàn bộ 3,65 triệu cổ phần được đấu giá của Công ty du lịch Kim Liên, con số này tương đương 112 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có.
Được biết, ông Cường có hộ khẩu tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội và không có mối quan hệ nào với đơn vị được bán đấu giá. Việc mua lại cổ phần nói trên là nhằm đầu tư tài chính và phát triển kinh doanh.
Bằng nguồn vốn tự có, nhà đầu tư này đăng ký mua toàn bộ 3,65 triệu cổ phần được đấu giá (52,4% vốn điều lệ công ty). Nếu ông Cường trúng thầu với mức giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần thì tổng giá trị thương vụ này sẽ vào khoảng 112 tỷ đồng.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trước đó đã thông báo đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Công ty du lịch Kim Liên. Theo dự kiến, phiên đấu giá diễn ra vào ngày 22/12/2015. Bên cạnh SCIC, doanh nghiệp còn có các cổ đông lớn như Ngân hàng GPBank sở hữu 21,6% cổ phần, Công ty Tài chính bưu điện PTFinace 6,7% và GP Invest chiếm 6,6%.
4 nhà đầu tư cá nhân đã đăng ký mua cổ phần Khách sạn Kim Liên.
(Nguồn ảnh: Cafef).
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 15 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần công ty này, đáng chú ý là trong đó có 4 nhà đầu tư cá nhân. Trong khi, số nhà đầu tư tổ chức là 11 đơn vị, đây đa số là các tên tuổi trong lĩnh vực địa ốc, đơn cử như Tập đoàn xây dựng Miền Trung (vốn điều lệ là 2.089 tỷ đồng), Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest (538 tỷ), Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (1.089 tỷ), Công ty Hải Phát Thủ đô (200 tỷ)...
Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Công ty du lịch Kim Liên là nhà hàng, dịch vụ ăn uống và lưu trú ngắn ngày. Doanh thu của công ty đạt 127 tỷ đồng trong năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 13,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang quản lý trực tiếp Khách sạn Kim Liên.
Tại Hà Nội, đây là khách sạn có lịch sử lâu đời, toạ lạc trên khu đất 3,5 ha phố Đào Duy Anh (quận Đống Đa). Khách sạn Bạch Mai (thành lập năm 1961) là tiền thân của khách sạn Kim Liên hiện nay. Hiện khách sạn có 9 toà nhà, 5 nhà hàng và 437 phòng.