Nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường khi Luật đặc khu bị hoãn

  14/06/2018 - 03:10

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ có xu thế cắt lỗ, tháo chạy khỏi thị trường khi Luật đặc khu bị tạm hoãn, song, đây lại là cơ hội để nhà đầu tư lớn, có bài bản bứt lên sau những biến cố về dự đoán chính sách.

Nhận xét trên được ông Đặng Đức Giới,Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đặc khu chia sẻ trong cuộc trò chuyện với một website uy tín về bất động sản.

Luật đặc khu được Quốc hội tạm dừng thông qua đã có tác động thế nào đến giới đầu tư bất động sản, thưa ông?

Giới đầu tư bất động sản tại các khu vực được dự kiến lên đặc khu phải chịu sự tác động khá lớn từ việc Quốc hội dừng thông qua Luật đặc khu, nhất là những nhà đầu tư lướt sóng, có chủ trương “ăn xổi”. Trên thực tế, tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, dòng vốn ít, sử dụng đòn bẩy tài chính đang rất hoang mang, lo sợ. Và để bảo toàn nguồn vốn, có thể họ sẽ bán tháo hoặc cắt lỗ.

Song, cục diện thị trường sẽ không bị tác động lớn bởi xu thế này. Cơ hội bứt phá dành cho những nhà đầu tư lớn, có bài bản sau những biến cố về dự đoán chính sách vẫn còn nhiều. Vẫn có chuyện chính sách tác động đến cơ hội đầu tư, nhưng chuyện luật được thông qua hay chưa không phải là vấn đề lớn đối với những nhà đầu tư có lối tư duy bền vững.

Ông Đặng Đức Giới
Ông Đặng Đức Giới, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đặc khu.

Vậy, Luật đặc khu tạm dừng thông qua liệu có tạo ra cơ hội nào cho thị trường cũng như các nhà đầu tư không, thưa ông?

Luật đặc khu tạm dừng thông qua cũng được xem là cơ hội để tạo nên sự sàng lọc trên thị trường, giúp môi trường kinh doanh bất động sản tại các khu vực dự kiến lên đặc khu được chuyên nghiệp hơn. Nội tại thị trường nhà đất ở các vùng dự kiến lên đặc khu có thể nói vẫn đang hoạt động, đang hướng vào thực chất và ngày càng hoàn thiện hơn.

Đồng thời, thị trường hiện tại cũng là cơ hội để những nhà đầu tư mới, có tiềm lực phát triển tốt. Bởi, khi những nhà đầu tư buộc phải rời khỏi thị trường vì không chịu được “nhiệt” cũng như áp lực từ lãi vay, thì lựa chọn nguồn hàng của những nhà đầu tư mới có tiềm lực cũng sẽ nhiều hơn. Từ đó, sẽ hướng thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn trong một môi trường với hệ thống chính sách minh bạch và ổn định.

Phú Quốc được các chuyên gia cho rằng sẽ là nơi chịu sự tác động ít nhất từ việc dừng thông qua Luật đặc khu, bởi, ngành du lịch nơi này đã phát triển mạnh từ nhiều năm qua, trong khi Vân Đồn và Bắc Vân Phong vẫn còn sơ khai, sơ khởi. Về vấn đề này, quan điểm của ông như thế nào?

Quan điểm trên cũng là quan điểm của tôi. Vì Phú Quốc thực tế đang là một thương hiệu lớn trên thị trường du lịch nội địa cũng như quốc tế. So với Vân Đồn hay Bắc Vân Phong, nơi đây hiện đang có rất nhiều yếu tố tiềm năng vượt trội, tạo niềm tin vững chắc cho giới đầu tư khi đổ vốn vào.

Trước hết, Phú Quốc đang sở hữu nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, có sự đa dạng về sản phẩm du lịch với nhiều thương hiệu lớn về quản lý khách sạn, quản lý du lịch như Novotel, Accor Hotels, IHG....

Tiếp đến, Phú Quốc đã đầu tư đồng bộ, bài bản về cơ sở hạ tầng. Đây là vùng duy nhất dự kiến lên đặc khu có sân bay quốc tế hiện hữu. Lượng khách du lịch đến với Phú Quốc theo như số liệu tôi nắm bắt được đã tăng trung bình 150-200% qua các năm.

Thứ nữa, điều kiện thiên nhiên cũng như khí hậu của Phú Quốc rất thuận lợi cho ngành du lịch phát triển. Phú Quốc quanh năm hầu như không có bão, thời gian khai thác du lịch hàng năm là 10-11 tháng trong điều kiện nhiệt độ trung bình là khoảng 28 độ C. Trong khi thời gian khai thác du lịch ở Vân Đồn chỉ là 6 tháng mùa nắng, còn mùa mưa lạnh rất khó để hoạt động du lịch phát triển. Thời gian có thể khai thác du lịch tại Bắc Vân Phong là 9 tháng, trừ 3 tháng mưa bão.

Thêm một yếu tố nữa là giá trị sử dụng đất và giá trị thặng dư trên đất tại Phú Quốc hiện đang ở vị trí cao nhất trong 3 khu vực nằm trong quy hoạch lên đặc khu.

Không chỉ vậy, việc khai trương casino, hay kế hoạch mở rộng các tuyến đường huyết mạch, kế hoạch rót vốn của nhiều đại gia địa ốc ở Phú Quốc chính là những nền tảng lớn tạo nên sự  phát triển cho nơi đây mà lệ thuộc vào việc Luật đặc khu có thông qua hay chưa. Theo như sự quan sát của cá nhân tôi, giới đầu tư tại Phú Quốc vẫn đang rất tự tin và có nhiều động lực để giữ đất, giữ giá nhằm chờ thời cơ.

Với các nhà đầu tư trong giai đoạn này, ông có lời khuyên nào dành cho không?

Giao dịch bất động sản tại 3 đặc khu tương lai có phần chững lại sau đợt sốt đầu năm, song, mặt bằng giá chung trên thị trường thì không có sự giảm nhiều. Bởi, lúc này nhiều nhà đầu tư vẫn nằm trong tâm thế chờ đợi và hy vọng dự Luật đặc khu sẽ tạo nên những biến động mới trên thị trường. Nhưng họ đã phán đoán sai về mặt chính sách, vì Luật đặc khu đã tạm hoãn thông qua.

Giữ vững niềm tin và kiên trì chờ đợi chính là lời khuyên của tôi với các nhà đầu tư trong lúc này. Theo tôi, nếu Luật đặc khu được thông qua trong kì họp tới của Quốc hội thì thị trường bất động sản cuối năm 2018, đầu 2019 tại những vùng dự kiến lên đặc khu rất có thể sẽ diễn ra một cơn sốt mới. Cơn sốt này sẽ mạnh mẽ và lan rộng hơn. Vấn đề chỉ là thời gian.

Cảm ơn ông!

(Theo Enternews.vn)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu