Thủ tục "loằng ngoằng" từ xét duyệt hồ sơ, vào ở thì ngay ngáy chất lượng, hạ tầng xã hội thiếu đủ đường, rồi nguy cơ "vào tròng" khi gặp chủ nhân nhập nhèm trách nhiệm tài chính với cơ quan quản lý... đó là những bất cập dẫn tới thành kiến sâu xa của người dân với nhà tái định cư (TĐC) tại Hà Nội.
Cùng trong "rổ" hàng hóa dành cho dân nghèo, công nhân viên chức chỉ trông chờ vào đồng lương thuần túy, TĐC hay nhà thu nhập thấp còn quá nhiều điều phải cải thiện để phát huy đúng giá trị an sinh như kỳ vọng.
Trăm bó đũa, có được một cột cờ?
Nhiều năm trở lại đây, thị trường nhà đất Hà Nội nói riêng và bất động sản (BĐS) cả nước nói chung đã cho ra đời đủ loại sản phẩm căn hộ với đa dạng đặc tính, giá cả cung cấp tới khách hàng.
Qua thời "sốt xình xịch" các dự án cao cấp, căn hộ đẳng cấp diện tích lớn (kèm theo giá tiền khủng) được cả rừng nhà đầu tư chen chân kiếm suất, sản phẩm trọng tâm của giới kinh doanh BĐS Hà thành 2 năm qua xoay quanh chung cư thương mại (CCTM) giá rẻ (gần hoặc không quá xa vành đai 3) bảo đảm đáp ứng điều kiện hưởng gói 30.000 tỷ đồng.
Với người có nhu cầu bức thiết kéo dài về nhà ở, đi kèm theo đó là thu nhập thuần túy từ lương thưởng của các đơn vị hành chính sự nghiệp, phần nhiều trong số họ vẫn phải săn tìm những căn nhà TĐC, nhà thu nhập thấp. Dẫu biết khó (khó mua và khó ở), nhưng đó là lựa chọn bất khả kháng trong điều kiện tài chính chưa cho phép.
Nhà tái định cư còn nhiều điều cần phải cải thiện
Bàn về những công trình nhà ở mang tính dân sinh đúng nghĩa (nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà cho công nhân thuê, nhà TĐC), đa phần các chủ nhân đang sinh sống trong đó đều thừa nhận Hà Nội khó nhất là... an cư.
Chỉ xét riêng nhà tái định cư (cũ và mới hình thành, đưa vào sử dụng ổn định), điều tiếng về chất lượng, dịch vụ tối thiểu, không gian cộng đồng luôn luôn xuất hiện ở mỗi tòa nhà, trong từng căn hộ.
Đông đúc và đắc địa, khu nhà TĐC Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) nổi lên như một điển hình về nhếch nhác, tường trần thấm dột trong căn hộ. Xa trung tâm một chút, khu Đền Lừ (quận Hoàng Mai) thể hiện sự "vượt khó" của hàng trăm cư dân nơi đây trước thảm cảnh cầu thang thoát hiểm hoen gỉ, bong tróc, sân chơi chung "há miệng" sẵn sàng "xơi" chân trẻ nhỏ vô tình sa xuống.
Vật vã hơn, là điệp khúc đau khổ ở khu Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy): Chiều mùa hè tháng 6, lũ lượt già trẻ trai gái xách xô xin nước xung quanh tòa nhà sinh sống.
Chưa hết, cứ mỗi khi vào thang máy ở nhiều khu TĐC ở Hà Nội, để bấm thang máy lên tầng cao đòi hỏi sự kiên nhẫn tối đa. "Có lần tới thăm bạn ở tầng 9, bấm mỏi tay mà thang máy vẫn… ì ra. Sau lần cuốc bộ bất đắc dĩ đó, tôi thực sự sợ nhà tái định cư", ông Tuấn, 58 tuổi, sau một lần tới B11 A Nam Trung Yên chán nản cho biết.
Trong bức tranh toàn cảnh đậm màu tối, đâu đó vẫn có một vài tòa nhà TĐC được đánh giá… tạm ổn. Theo "tổng kết" của một môi giới chuyên trung gian nhà thu nhập thấp, TĐC giá rẻ ở Hà Nội, lượng khách hàng tìm tới các căn TĐC ở những khu "sáng giá" như 15B Đông Quan (quận Cầu Giấy), Tây Nam Đại học Thương Mại, N4AB mặt đường Lê Văn Lương, 310 Minh Khai… thường xuyên ổn định và có xu hướng tăng gần đây. Ví dụ, căn 72m2 tầng 11 khu 15B Đông Quan, được khách "gạ" chủ nhà với giá 26,5 triệu đồng/m2 nhưng bên bán vẫn chưa ưng.
Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa
Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" nhiều năm nay của cư dân tại hàng loạt khu TĐC trên địa bàn Tp.Hà Nội nóng tới mức tháng 6/2014, Bộ Xây dựng đề xuất không cấp phép cho nhà TĐC và thay thế bằng Nhà ở xã hội. Buồn rằng, theo một thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, nhiều nhà ở xã hội đưa vào sử dụng chất lượng còn kém không khác gì nhà TĐC (!)
Cái khó không thể "bó" cái khôn. Rút kinh nghiệm người đi trước, những gia đình có tài chính ổn định ở mức trung bình khá trở xuống đặt bài toán: nói không với nhà thu nhập thấp, nhà TĐC để gửi trọn niềm hy vọng vào chung cư giá rẻ.
Lập tức, sự lựa chọn được mở rộng ra các chung cư thương mại bình dân "đình đám" khắp thị trường. Tiêu biểu, từ đầu năm, những cặp vợ chồng trẻ thường rủ nhau tìm mua ở các dự án kiểu Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ có mức giá gốc niêm yết siêu mềm 14 - 15 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, thực tế giá thành và chất lượng sống ở những chung cư này lại chẳng "chiều lòng" thượng đế: giá chênh từ 50 đến hơn 200 triệu/suất (thấp như HH4 Linh Đàm cũng 20 - 30 triệu đồng/căn). Trong khi ở B11, B3C Nam Trung Yên, không ít căn trên 45m2 (sổ đỏ) chỉ có giá 1,4 - 1,7 tỷ đồng.
Chia sẻ từ nhiều người mới "tậu" căn hộ TĐC ở khu Trung Hòa - Nhân Chính lại cho thấy lát cắt khác của sản phẩm đặc thù này. Theo anh Tuấn, chủ nhân một căn TĐC ngay sát mặt đường Hoàng Đạo Thúy, chất lượng nhà TĐC đôi khi cao hơn một số chung cư giá rẻ kể cả về chất lượng cũng như quản lý.
Đại Thanh, hay một loạt dự án của Nam Cường là minh chứng mới nhất. Điểm trừ đến từ nhà TĐC thường là bề ngoài, thang máy xập xệ nhưng bù lại là mật độ dân thấp, phí dịch vụ "siêu rẻ". Ngoài ra, khó khăn về làm sổ đỏ là có thực (CCTM còn bê bết hơn) nhưng chưa từng xảy chuyện mất nhà vì tố tụng.
Đáng chú ý, các dự án TĐC cũ hay mới mở bán như CT1 Thành phố giao lưu (sau Metro Phạm Văn Đồng), nếu tinh tường thì người mua sẽ tìm được căn nợ gốc 10 năm - một món hàng "cực hót". Cụ thể, căn 57m2 đã rõ căn tầng (đã bốc thăm) có giá 22 triệu đồng/m2, người mua gốc được nợ gần 1 tỷ đồng.
Đối với những dự án TĐC đã hoàn thiện và đi vào sử dụng hay dự án mới hình thành, "săn" được căn nợ gốc 10 năm hoàn toàn phụ thuộc vào sàn (môi giới) "chuẩn". Đặc biệt, người mua phải lưu ý ký hợp đồng ủy quyền với chủ nhà được bốc thăm căn hộ đó. Có như vậy mới tránh khỏi việc tiền mất tật mang.