Kết quả cuộc khảo sát nhân sự của nhóm chuyên gia Economica Vietnam phối hợp với Tạp chí điện tử TheLeader cho biết, tỷ lệ nhân sự quản lý ngành địa ốc có thu nhập 30 triệu đồng/tháng trở lên chiếm 10%.
Theo báo cáo trên, nhân sự cấp quản lý ngành địa ốc có điểm chung là có trình độ cao với tỷ lệ đại học và trên đại học chiếm 87,55%. Mức thu nhập trung bình của nhóm nhân sự này dao động từ 15-30 triệu đồng/tháng. Trong đó, nhân sự có mức lương 30 triệu đồng mỗi tháng trở lên chiếm tỷ lệ 10%.
Cuộc khảo sát dựa trên các mẫu điều tra 100 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường địa ốc có tổng quy mô hơn 3 tỷ USD. Có 32/100 doanh nghiệp gửi lại phiếu điều tra đã trả lời đầy đủ thông tin. Nhằm tăng tính khách quan cho kết quả điều tra, đơn vị nghiên cứu còn tiếp cận thêm 32 phiếu điều tra xã hội học nữa. Song, so với quy mô thị trường bất động sản hiện nay, lượng mẫu khảo sát này còn quá khiêm tốn.
Theo ghi nhận của VnExpress, nhân sự ngành địa ốc đang được phân làm 2 ngách gồm phát triển dự án và dịch vụ. Tại thị trường lao động TP.HCM, nhân sự cấp quản lý của doanh nghiệp là chủ đầu tư (chuyên phát triển dự án) có mức lương bình quân trên dưới 30 triệu đồng/tháng từ vị trí trưởng bộ phận.
Khoảng 10% nhân sự cấp quản lý ngành địa ốc có mức lương trên 30 triệu đồng/tháng.
(Nguồn ảnh: K.H)
Vị trí cấp quản lý ngành địa ốc từ phó giám đốc tới giám đốc được các đơn vị "săn" nhân sự chi trả mức lương từ 35-50 triệu đồng/tháng. Mức lương vị trí phó tổng, tổng giám đốc khoảng trên dưới trăm triệu đồng mỗi tháng tùy quy mô của từng doanh nghiệp.
Đối với nhân sự ngành dịch vụ (quản lý bất động sản, tư vấn, môi giới...), mức lương thường chỉ mang tính tượng trưng và không cao. Bù lại, các khoản hoa hồng, khoản thưởng lại rất cao, nhất là với cấp quản lý ngành môi giới thuộc bộ phận kinh doanh.
Thực tế cho thấy, các đợt cao điểm tuyển nhân sự ngành địa ốc thường rơi vào quý 2 hàng năm. Các doanh nghiệp chào mức lương và tổng thu nhập "khủng" nhằm săn được quản lý giỏi. Đáng chú ý, có doanh nghiệp còn chào mức lương xấp xỉ 170 triệu đồng/tháng (khoảng 2 tỷ đồng/năm) để tuyển giám đốc sàn giao dịch nhà đất.
Tuy vậy, mức lương cơ bản của vị trí này chỉ từ 25-30 triệu đồng. Hiện có rất nhiều nguồn tạo thành tổng thu nhập của cấp quản lý ngành địa ốc, gồm lương cơ bản, thưởng đạt chỉ tiêu, hoa hồng dự án, thưởng hiệu quả năm, lương bổ sung lũy tiến theo doanh số, thưởng du lịch, thưởng thi đua, thưởng vị trí đứng đầu khối kinh doanh toàn doanh nghiệp, chưa kể một số ưu đãi khác.
Kết quả khảo sát chỉ rõ, sự khan hiếm nguồn nhân sự chất lượng cho ngành bất động sản đang ở mức báo động. Ngoài những khó khăn, thách thức trong quá trình đầu tư kinh doanh thì trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp địa ốc chính là sự thiếu hụt nhân sự chất lượng.
Đặc biệt, khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực còn hạn chế là trở ngại hàng đầu, là lực cản quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Trở ngại thứ hai là việc tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng; kế đến là những khó khăn về vốn như lãi suất; giá đất và thuế đất.