Cò đất cố "vét" khách đẩy hàng
Tìm đến xã Bình Ba, huyện Châu Đức, Bà Rịa- Vũng Tàu vào thời điểm cơn sốt đất ảo đi qua, PV nhận thấy, cò đất nơi đây vẫn rất tích cực hoạt động để đẩy hàng. Những người này lượn lờ trên khắp các tuyến đường lớn cũng như con xóm nhỏ trong làng, hễ gặp người lạ nào lại bắt chuyện mời mua đất.
Ông Tám Thành - một người dân địa phương cho hay, mỗi mét ngang đất mặt tiền đường quốc lộ 56 bình thường chỉ ở mức 250-300 triệu nhưng hiện đã tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba đối với những lô sở hữu vị trí đẹp. Còn theo thông tin chia sẻ của anh Định, cũng là người dân sinh sống tại khu vực này thì đây là những người đã trót mua đất vào thời điểm giá neo cao, hiện đang cố tìm mối để thoát hàng. Trước khi bùng nổ cơn sốt đất ảo, mỗi mét ngang đất được người địa phương bán với giá trên dưới 100 triệu đồng/mét ngang. Anh Định nói: "Đây là giá thật theo thị trường lúc bình thường, còn giá hiện nay là do các đối tượng đầu cơ phối hợp với cò thổi giá".
Dừng xe tại một quán cà phê vốn là tụ điểm của các "cò" đất, PV đã nhanh chóng được 2 cò tiếp cận. Chưa kịp lên tiếng, PV đã ngay lập tức được các cò "tư vấn" nhiệt tình về dự án có quy mô lên tới 800ha sắp được triển khai, hứa hẹn tạo sự tăng giá cho bất động sản khu vực này. "Đất ở đây chỉ lên giá chứ không xuống nữa, chỉ cần sang tay hôm trước hôm sau đã lời. Mấy chị cứ mua đi rồi gửi lại để tụi em bán cho", một cò khẳng định chắc nịch.
|
Giá mỗi mét ngang đất trồng tiêu, chuối ở Bình Ba tăng gấp đôi khi cơn sốt đất ảo ập đến. |
Khi đề cập đến giấy tờ đất, thủ tục mua bán, một môi giới nam cho biết, các lô đất đều đã có sổ đỏ nhưng chỉ nên thực hiện mua bán bằng giấy viết tay, còn thủ tục tách thửa thì cứ từ từ. Nhận thấy người hỏi mua có vẻ xuôi xuôi, cò liền hối chúng tôi uống nước nhanh để còn đi xem đất, chắc chắn sẽ có lợi nhuận.
Những lô đất mà các cò dẫn PV đến xem đa phần đều là khu vực trồng tiêu, trồng chuối nằm trong những con hẻm đất đỏ, song giá mỗi mét vuông lại lên tới 250 triệu đồng. Khi chúng tôi nói không thể mua hết được cả thửa thì cò đề nghị sẽ cắt theo nhu cầu. Cò nói: "Đất này dài hơn 100m, chị chỉ cần mua 5 mét ngang là đủ diện tích để tách thửa rồi. Diện tích như vậy cũng dễ bán lại lắm".
Khi nhóm PV chê đất nằm trong đường nhỏ, giá lại cao, cò đất liền bỏ đi rồi nói vọng lại: "Không mua thì nói cho rồi, mắc công tốn công sức, tiền xăng". Một số cò cho biết, sở dĩ người này bực bội vì việc làm ăn của hắn trước đây rất thuận lợi, bán đất như bán rau, chẳng tốn công sức gì nhưng tiền cứ chảy vào như nước.
Thấy chúng tôi có ý tìm mua đất, một phụ nữ tầm 60 tuổi, chủ của quán ăn nằm ven quốc lộ liền giới thiệu 2 lô đất, (một lô có diện tích 16 mét ngang, giá 12 tỷ và lô 12 mét ngang, giá 750 triệu/mét ngang) kèm lời khẳng định: "Đất bán chính chủ không qua cò. Hai miếng này đều gần dự án 800ha của Vingroup. Giờ mà không mua, tới khi triển khai dự án thì không "rớ" tới nổi đâu".
Cơn sốt ảo đã đẩy giá đất trên địa bàn Bình Ba tăng vọt, ngay cả người dân trực tiếp bán đất cũng hét giá trên trời. Nhưng cơn sốt chóng đến cũng chóng qua, câu chuyện mà người dân trong những ngày này chỉ còn là sự hồi tưởng về tháng ngày sốt đất ngắn ngủi vừa qua. Người thì vui sướng vì bán được đất với giá cao, người lại tỏ rõ vẻ mặt tiếc nuối vì bán hớ. Không có ít gia đình bỗng giàu lên trong chốc lát, sắm sửa đủ các món đồ đắt giá, song cũng có không ít gia đình bất hòa, mâu thuẫn vì tiền bán đất không được chia đều...
"Người ôm đất sau cùng sẽ không có lối ra"
Thông tin từ một vị cán bộ làm việc ở xã Bình Ba cho hay, hai ngày mùng 10 và 11/2 là thời điểm cơn sốt đất tại địa phương lên mức đỉnh. Vị cán bộ nói: "Đâu phải chỉ ban ngày mà tới 9-10 h đêm, nhiều người vẫn tập trung hai bên quốc lộ, sử dụng đèn pin để dẫn khách vào xem đất. Mấy hôm đó, giá đất thay đổi theo từng giờ".
Nhận thấy tình hình mua bán đất ngày càng diễn biến phức tạp, xã đã nhanh chóng gửi văn bản trình đề nghị UBND huyện Châu Đức đưa ra các thông tin chính thức, cụ thể về dự án đang được người dân bàn tán để xã nắm bắt và thông tin đến người dân một cách chính xác nhất.
UBND xã Bình Ba cũng đã dựng khá nhiều pano nhằm cảnh báo người dân tránh sập bẫy cơn sốt đất ảo. Nội dung pano ghi rõ: "Tại khu vực này không có bất kỳ dự án phân lô, bán nền nào được phê duyệt. Đề nghị người dân không giao dịch mua bán".
Còn ông Nguyễn Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho hay, 2 dự án của một tập đoàn lớn trên địa bàn xã Bình Ba và thị trấn Ngãi Giao mới chỉ được UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đồng ý chủ trương để khảo sát nghiên cứu. Thực tế, chưa hề có bất kỳ quy hoạch dự án nhà ở nào trên địa bàn huyện được phê duyệt. Vậy nên, người dân phải hết sức cẩn trọng trước những thông tin được các cá nhân tung ra nhằm trục lợi cho bản thân.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng xác nhận, lượng hồ sơ thực hiện giao dịch mua bán đất mà Văn phòng đất đai nhận được trong thời gian này không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các giao dịch được thực hiện trong cơn sốt đất chủ yếu là bằng giấy tay, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể người mua đất cuối cùng là người phải gánh chịu hậu quả nặng nhất.
Các giao dịch bất động sản không công chứng theo đúng quy định của pháp luật sẽ rất dễ phát sinh những tranh chấp khó lường và phức tạp không chỉ giữa 2 bên mua bán, mà còn trong cả nội bộ của gia đình của người chuyển nhượng. Đặc biệt, người mua cuối mua đất bằng tiền vay ngân hàng sẽ phải ôm hận khi cơn sốt đi qua vì đất không có người mua mà nợ ngân hàng thì vẫn còn đó, lại phải cõng thêm khoản tiền lãi hàng tháng.
Cơn sốt đất tại xã Bình Ba làm người ta dễ liên tưởng đến kịch bản nóng sốt đã xảy ra tạo các địa phương như Củ Chi (TP.HCM), Đức Hòa (Long An), Long Thành (Đồng Nai)… trước đó. Các nhà đầu tư lướt sóng trước, các cò đất tung tin đồn, thổi giá đất lên cao ngất ngưỡng là những người hưởng lợi nhất trong cơn sốt. Sau khi kiếm được khoản tiền lớn từ cơn sốt đất ảo, các đối tượng này cũng lặn mất khỏi thị trường, để lại mớ ngổn ngang cho người ôm đất sau cùng.
Một cán bộ UBND xã Bình Ba cho hay: "Nhiều khu đất nông nghiệp ở Bình Ba được bán với giá trên dưới 500 triệu đồng/mét ngang có chiều dài khoảng 100m. Tính ra mỗi m2 tương đương 5 triệu đồng, đó là một cái giá không tưởng đối với đất nông nghiệp, nên tôi nghĩ người ôm đất sau cùng chắc chắn sẽ không có lối ra vì chẳng ai dám mua lại với giá cao ấy hơn nữa".
Để đảm bảo sự ổn định và trật tự trên địa bàn sau sự việc sốt đất ảo diễn ra tại xã Bình Ba, UBND huyện Châu Đức đã nhanh chóng ra văn bản chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát hiện tượng tự ý tổ chức xây dựng hạ tầng, tự ý phân lô, tách thửa, bán nền đất trái phép để kịp thời phát hiện, xử lý đối với những trường hợp vi phạm.
Đồng thời, cơ quan Công an huyện cũng được chỉ đạo phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã thực hiện công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng tụ tập đông người, gây mất trật tự an ninh, an toàn giao thông tại các khu vực nóng sốt về giao dịch đất đai…
Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Hoàng Nguyên Dinh thông tin thêm, UBND tỉnh hiện mới chỉ đồng ý chủ trương cho phép doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư, còn dự án có được chấp thuận hay không lại phải chờ ý kiến phê duyệt từ phía Thủ tướng Chính phủ. Chưa hề có thông tin chính thức nào của chủ đầu tư này được đăng tải trên mạng xã hội, đây chủ yếu là của giới đầu cơ, cò đất, môi giới không chuyên... Do đó, người dân cần phải hết sức cẩn trọng, không nên đầu cơ theo tâm lý đám đông, dễ gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Vị Chủ tịch huyện khuyến cáo thêm: "Trường hợp phát hiện các trang thông tin điện tử, mạng xã hội đăng tải nội dung không chính xác về dự án của nhà đầu tư này tại địa phương, các cơ quan, đơn vị cần kịp thời phản ánh về Phòng Kinh tế và Hạ tầng để tham mưu, đề xuất UBND huyện biện pháp xử lý theo quy định".
|