Đã có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường BĐS hiện nay đang phát triển khập khiễng, phân khúc cao cấp áp đảo nguồn cung. Tuy nhiên, các chủ đầu tư địa ốc cũng có cái lý của mình, quan trọng là họ phải biết 'liệu cơm gắp mắm'.
Theo số liệu cập nhật từ các công ty nghiên cứu thị trường mới công bố, phân khúc trung cấp và cao cấp chiếm thế áp đảo cả về số lượng mở bán cũng như lượng giao dịch. Trong 3 tháng đầu năm 2016, thị trường Hà Nội ghi nhận gần 3.900 căn hộ được tung ra thị trường, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 50%. Phần lớn căn hộ được mở bán đều thuộc phân khúc cao cấp.
Trong khi đó, tại Tp.HCM cũng có trên 4.200 căn hộ được chào bán trong quý đầu năm, tăng 2% so với cùng kỳ, số dự án mở bán tăng mạnh với trên 20 dự án. Đáng chú ý, căn hộ ở phân khúc bình dân đang dần khan hiếm. Phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường với các dự án lớn như The Sun Avenue, Xi Grand Court, M-one Nam Sài Gòn, Charmington La Pointe, The One SaiGon,…
Trong khi nhu cầu về nhà ở giá rẻ và trung bình đang rất lớn thì nguồn cung lại khan
hiếm. (Nguồn ảnh: Dũng Minh).
Theo nhìn nhận của Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Jones Lang Lasalle, ông Stephen Wyatt, có một số lý do khiến nhiều chủ đầu tư theo đuổi phân khúc trung và cao cấp. Ví dụ, với mỗi doanh nghiệp, sở hữu quỹ đất rộng với vị trí đẹp, dĩ nhiên họ sẽ muốn có tỷ suất sinh lời cao. Vì vậy, khi nhu cầu về nhà ở gia tăng, chủ đầu tư sẽ muốn tối ưu hóa khả năng sinh lời của mình bằng việc bán các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao thay vì hàm lượng giá trị thấp trên cùng một khu đất.
Ông Stephen cho biết, các hoạt động hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà gia tăng cũng có khả năng thúc đẩy lượng giao dịch trên thị trường. Mặt khác, khả năng một số quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài sẽ hướng nguồn vốn sang thị trường Việt Nam nhằm cố gắng tăng sự hiện diện, điều này sẽ thúc đẩy việc đầu tư vào các dự án BĐS cao cấp.
Tuy vậy, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, dù nhiều chủ đầu tư có xu hướng chạy theo phân khúc dự án nhà ở cao cấp nhưng cũng cần có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề này.
Phân khúc BĐS này không phải ai muốn làm cũng được, cần những nhà đầu tư uy tín và có tiềm lực tài chính vững vàng, họ hướng tới việc cung cấp được một sản phẩm chất lượng cao, tương xứng với số tiền mà khách hàng bỏ ra, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, ông Lê Khắc Hiệp chia sẻ.
Cùng quan điểm, theo Phó chủ tịch HĐQT CEN Group ông Phạm Thanh Hưng, quan niệm về BĐS cao cấp hiện đang thay đổi. Khách mua nhà đang ngày càng khắt khe hơn với các dự án cao cấp. Thời gian quan, các dự án BĐS cao cấp thành công không chỉ đắt tiền mà còn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cao cấp khác như hạ tầng cao cấp, tiện ích cao cấp, môi trường sống hài hòa, nhiều không gian xanh, an ninh đảm bảo…
Với góc nhìn khác, PGS - TS. Vũ Thị Minh (Trưởng Khoa Kinh tế và BĐS, Đại học Kinh tế Quốc dân) cho hay, giá của dự án cao cấp gồm nhiều yếu tố liên quan đến tiện ích, không gian, thậm chí ở góc độ nào đó mang ý nghĩa đầu cơ, do đó chúng không dành cho những người có thu nhập thấp.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM ông Lê Hoàng Châu nhận định, thị trường địa ốc TP đang tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Thị trường BĐS đã có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc cao cấp, đặc biệt là khu Nam TP. Trong năm 2015, lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại) trên thị trường nhà đất Tp.HCM tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch, ông Châu cho biết.
Vấn đề là, các chủ đầu tư phải biết 'liệu cơm gắp mắm' bởi không phải ai cũng có đủ tiềm lực để phát triển dự án cao cấp. Ham lợi nhuận, chạy theo thị trường sẽ rất dễ bị 'hụt hơi'.