Vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý về chủ trương cho phép Hà Nội triển khai các bước ban đầu đối với 2 công trình giao thông quan trọng gồm: Dự án đường Vành đai 1 (Hoàng Cầu - Voi Phục) và dự án tuyến đường Tây Thăng Long (Phạm Văn Đồng - Văn Tiến Dũng).
Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (tuyến Vành đai 1) sẽ kết nối với đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.
Cụ thể, Phó Thủ tướng cho phép UBND TP Hà Nội phối hợp, chủ trì với các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên - Môi trường thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với hai dự án nói trên.
Đồng thời, việc phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 2 dự án này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, để giảm thủ tục hành chính, phân cấp mạnh, cụ thể hơn cho các địa phương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm đánh giá tình hình thực hiện và nghiên cứu sửa đổi một số quy định về đầu tư.
Được biết, chiều dài tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục (thuộc đường Vành đai 1) hơn 2,2km, bề rộng 50m, gồm 2 cầu vượt tại nút Nguyễn Chí Thanh và nút Giảng Võ - Láng Hạ.
Theo dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư vào khoảng 7.779,1 tỷ đồng từ nguồn vốn TP. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 6.400 tỷ đồng. Dự án được triển khai tại 4 phường Ô Chợ Dừa, Láng Hạ, Cát Linh, Láng Thượng (Đống Đa) và 3 phường Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình).
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020. Để triển khai công trình này, có 2.044 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng. Trong đó, địa bàn quận Ba Đình là 1.241 hộ, địa bàn quận Đống Đa là 803 hộ. Nhu cầu tái định cư vào khoảng 2.239 căn.
Nhà tái định cư dự kiến được bố trí từ nguồn quỹ nhà A14 khu tái định cư Nam Trung Yên, khu Tây Nam Kim Giang 1 và quỹ nhà tái định cư của TP Hà Nội.
Theo thiết kế, tổng chiều dài đường trục Tây Thăng Long khoảng 23km. Tuyến đường này kết nối khu vực Tây Hồ Tây và phía Bắc cầu Thăng Long với khu đô thị Sơn Tây, chạy qua địa phận 2 huyện Phúc Thọ và Đan Phượng.